Cùng bau.vn tìm hiểu về tình trạng phù chân khi mang thai tháng thứ 9 trong bài viết dưới đây nhé.
Nguyên nhân bà bầu bị phù chân
Máu và dịch lỏng tăng lên
Trong suốt thai kỳ cơ thể người bà bầu sản xuất thêm hơn 50% lượng máu và chất lỏng so với bình thường để có thể đáp ứng nhu cầu của thai nhi. Phần chất lỏng và mỡ dư thừa sẽ tích tụ trong các mô và khớp của phụ nữ mang thai. Điều này giúp cơ thể bà bầu mềm ra, giãn nở đồng thời chuẩn bị tốt cho việc sinh nở. Nhưng đó cũng chính là nguyên nhân chủ yếu gây phù nề ở thai phụ.
Áp lực từ tử cung ngày một lớn dần
Thai nhi trong bụng càng lớn, tử cung của bà bầu sẽ càng nặng. Do đó, nó gây áp lực lớn chèn lên tĩnh mạch, ngăn cản máu từ chi dưới trở về tim. Song song với đó, khi sức ép càng lớn, máu càng tích tụ nhiều ở bàn chân và chân gây hiện tượng phù nề. Điều này khiến cho phụ nữ mang thai bị phù chân khá nặng ở tháng thứ 9 của thai kỳ.
Phù chân khi mang thai tháng thứ 9 có nguy hiểm không?
Khi ngày dự sinh đến càng gần, thai phụ sẽ càng dễ sưng phù. Trong trường hợp tình trạng sưng phù chân ở 3 tháng cuối của thai kỳ diễn ra từ từ thì đây không phải là một dấu hiệu đáng lo ngại. Nhưng nếu như bà bầu đột nhiên bị sưng mặt, tay và chân thì rất có thể đây chính là dấu hiệu tiền sản giật.
Nếu như gặp phải những dấu hiệu dưới đây thì hãy ngay lập tức đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra:
- Mặt, bàn tay, bàn chân của bà bầu đột ngột bị sưng phù.
- Cảm thấy nhức đầu dữ dội.
- Gặp vấn đề về mắt như nhìn mờ hay nhấp nháy.
- Cảm thấy cơn đau xuất hiện ngay dưới xương sườn.
- Nôn mửa.
Chế độ ăn uống cho bà bầu bị phù chân
- Giảm lượng natri (muối): Phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn và đồ đóng hộp. Bên cạnh đó, bà bầu có thể sử dụng cỏ xạ hương, hương thảo để thay thế cho muối khi nấu ăn.
- Bổ sung đủ kali: Bổ sung kali có thể giúp phụ nữ mang thai hạn chế tình trạng phù chân. Nguyên nhân là bởi khoáng chất này sẽ giúp cân bằng lượng chất lỏng của cơ thể.
- Hạn chế caffeine: Nếu như thai phụ chỉ tiêu thụ caffeine với liều lượng vừa phải thì sẽ không gây hại. Nhưng caffeine giống như một chất lợi tiểu nên sẽ khiến cho tình trạng mất cân bằng chất lỏng và gây sưng nghiêm trọng hơn.
- Uống nhiều nước: Theo các bác sĩ chuyên khoa, bà bầu nên uống ít nhất 10 cốc mỗi ngày. Trong trường hợp cảm thấy nhạt miệng khi uống nước lọc, thai phụ có thể cho thêm lát chanh hay quả mọng, lá bạc hà vào nước để dễ uống hơn.
Chế độ sinh hoạt khi phụ nữ mang thai tháng thứ 9 bị phù chân
Bên cạnh các yếu tố như máu, lượng dịch lỏng và áp lực của tử cung lên mạch máu thì thói quen sinh hoạt, vận động hằng ngày cũng có thể khiến cho phụ nữ mang thai bị phù chân. Thai phụ bị phù chân nên lưu ý một số điều dưới đây:
- Hạn chế đứng liên tục trong thời gian dài
- Mặc quần áo, đặc biệt là đi giày, tất thoải mái.
- Tập thể dục – cố gắng đi bộ từ 5-10 phút mỗi ngày có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm sưng.
- Nằm ngủ nghiêng bên trái giúp giảm áp lực của tử cung lên tĩnh mạch dưới, đưa máu về tim.
- Nâng cao chân hơn khi ngồi hay nằm nghỉ để giúp cơ thể thoát dịch lỏng đã tích tụ ở chân.
Nguồn : bau.vn