Bài viết dưới đây của bau.vn sẽ gợi ý cho bố mẹ 5 bước từ đơn giản tới nâng cao để hướng dẫn trẻ trượt patin. Cùng theo dõi nhé!
Hướng dẫn trượt patin cần bắt đầu từ việc cho trẻ làm quen với tư thế đúng
Yêu cầu trẻ khuỵu gối và hơi nghiêng người về phía trước. Tư thế này sẽ dồn lực xuống dưới chân và giúp trẻ giữ thăng bằng tốt hơn khi đang đeo giày trượt patin. Bạn có thể dành 5 – 10 phút để giúp trẻ quen với tư thế này bằng cách yêu cầu trẻ liên tục thay đổi từ tư thế đứng thẳng sang tư thế gập gối, nghiêng người về trước.
Cho trẻ bước đi trên đôi giày trượt patin
Sau khi trẻ quen với tư thế chuẩn bị trượt patin thì bạn chuyển sang yêu cầu trẻ đặt gót chân quay vào trong và ngón chân hướng ra để hai bàn chân tạo thành hình chữ V. Tiếp theo, yêu cầu trẻ nhấc từng chân một để đi về trước.
Bất cứ lúc nào trẻ có dấu hiệu té ngửa về sau, bạn hãy nhắc trẻ gập gối xuống theo tư thế ngồi xổm và hơi nghiêng về trước để giữ thăng bằng. Mặc dù việc bước đi sẽ có chút nặng nề và khó khăn nhưng đây lại là cách giúp trẻ làm quen với việc di chuyển bằng giày patin và giữ thăng bằng.
Hướng dẫn trẻ cách trượt patin
Trong khi trẻ vẫn đang bước đi bằng giày trượt patin nhưng đã ổn định hơn về khả năng giữ thăng bằng, bạn có thể khuyến khích trẻ cố gắng trượt patin về phía trước với một chân trước khi nhấc chân kia lên.
Nếu trẻ có thể làm được, bạn hãy yêu cầu trẻ trượt patin về phía trước bằng chân trước và dùng chân sau để đẩy người lướt đi thay vì nhấc chân đi bộ như trước đó. Ngoài ra, trong quá trình trẻ tập trượt patin bằng một chân, hãy yêu cầu trẻ nhấc chân còn lại lên khỏi mặt đất để không cản trở chân trước chuyển động và luân phiên đổi chân qua lại. Trong quá trình này, bạn có thể nắm tay của trẻ để giúp con tự tin lướt đi trước khi có thể tự trượt patin một mình.
Dạy trẻ cách dừng lại khi trượt patin
Tùy thuộc vào loại giày patin mà bạn có thể dạy trẻ dừng lại bằng mũi giày hoặc gót giày. Đầu tiên, yêu cầu trẻ khuỵu gối, nghiêng người về phía trước và đặt hai bàn tay lên đầu gối. Tiếp theo, hướng dẫn trẻ dừng lại đúng cách bằng gót chân hoặc mũi chân (tùy thuộc vào loại giày patin). Bạn nên nhắc nhở trẻ thường xuyên về việc ấn mũi chân/ gót chân một cách nhanh chóng và tự tin để tránh bị té ngã.
Mẹo nhỏ để luyện tập cách dừng lại khi hướng dẫn trượt patin cho trẻ đó là chơi trò chơi. Bạn hãy vẽ một vạch trắng trên sân, bạn và trẻ đứng cách vạch trắng khoảng vài mét. Luật chơi là cả hai cùng trượt patin về trước và phải dừng lại kịp thời trước khi chạm đến vạch. Trò chơi này vừa giúp trẻ học được kỹ năng quan trọng khi trượt patin vừa không bị căng thẳng khi luyện tập nên bạn có thể thử nhé!
Hướng dẫn trượt patin cho trẻ ở mức độ nâng cao hơn
Khi trẻ đã có thể giữ thăng bằng và trượt patin một mình, bạn hãy dạy trẻ cách trượt nâng cao hơn chẳng hạn như rẽ trái, rẽ phải, xoay vòng hoặc trượt lùi về phía sau. Kỹ năng này thường phụ thuộc vào cách mà trẻ kiểm soát cơ thể nên sẽ cần có thời gian. Nếu trẻ cảm thấy khó khăn, bạn hãy khuyến khích trẻ trượt patin thật chậm và luyện tập nhiều hơn để đạt được thành quả như mong muốn.
Đối với quá trình hướng dẫn trượt patin cho trẻ em, có thể cả bạn và bé đều cần phải có sự kiên nhẫn. Hơn nữa, mọi trường hợp té ngã khi chơi trượt patin là rất bình thường, dù là người lớn hay trẻ nhỏ thì cũng không tránh khỏi vấn đề này.
Vì vậy, thái độ của ba mẹ đối với việc con té ngã là rất quan trọng. Bạn không nên tỏ ra lo lắng thái quá hoặc phê bình trẻ. Điều bạn cần làm nhất khi hướng dẫn trượt patin cho trẻ là truyền đi năng lượng tích cực cho con và giúp trẻ thả lỏng, thư giãn trong những buổi học hoặc luyện tập, không chỉ là trượt patin mà còn có thể là bất kỳ bộ môn nào.
Nguồn : bau.vn