Mách bạn 10 cách hay giúp trẻ chăm đọc sách

Đọc sách là một hình thức tuyệt vời giúp trẻ tiếp thu kiến thức có trong sách một cách thụ động như trẻ được tiếp xúc với ngôn ngữ đa dạng và từ vựng phong phú, kiến thức về thế giới xung quanh, tăng cường trí tưởng tượng,... Ngoài ra, tạo cho trẻ thói quen đọc sách còn có ích cho việc tự học, phát triển kỹ năng tìm kiếm thông tin của trẻ.

1. Hãy để trẻ tự chọn sách cho mình

Dù ở độ tuổi nào thì trẻ cũng đã biết mình thích gì và không thích gì. Chính vì vậy, cha mẹ hãy tôn trọng sở thích của con. Thay vì chọn những cuốn sách cha mẹ nghĩ con sẽ thích thì hãy để con tự chọn sách cho mình. Từ đó, cha mẹ dạy con phải có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình.

Trước khi mua sách, cha mẹ hãy cho trẻ đọc một số trang đầu tiên hoặc một đoạn ngắn trong sách. Điều này giúp trẻ tự đánh giá xem cuốn sách có hấp dẫn và phù hợp với sở thích của con hay không.

Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý đưa con đến quầy sách phù hợp với độ tuổi để con chọn.

2. Hãy để trẻ được “thèm” sách

Mỗi lần mua sách cho trẻ, cha mẹ chỉ nên mua 1-2 cuốn sách mà trẻ thực sự yêu thích để tránh tình trạng con không tập trung đọc hết 1 quyển. Trẻ sẽ tập trung tận hưởng cuốn sách, thậm chí, trẻ có xu hướng muốn đọc lại nhiều lần.

Khi trẻ chỉ được mua sách với số lượng rất ít một lần cũng giúp con biết quý trọng cuốn sách đó hơn.

3. Tạo không gian đọc sách thoải mái

Một góc đọc sách đáng yêu và riêng tư trong phòng ngủ hoặc phòng khách là một điều cần thiết để giúp trẻ thấy hào hứng và thích thú trong việc đọc sách. Đảm bảo góc đọc sách được bố trí đầy đủ ánh sáng và không gian thoải mái để trẻ có thể tập trung mà không bị xao lãng. Cha mẹ có thể trang trí góc đọc sách với những đèn led trang trí, ảnh kỉ niệm, hay những bức tranh màu sắc tươi sáng để tạo không gian hấp dẫn và thú vị cho con. Trẻ có riêng một góc đọc xinh xắn giúp con cảm thấy hào hứng trong việc đọc sách hơn.

4. Đọc sách theo ý muốn của trẻ

Đọc sách theo ý muốn của trẻ là một trong những yếu tố quan trọng để giữ cho trẻ yêu thích và tập trung đọc sách. Cha mẹ hãy lắng nghe ý kiến của trẻ và tôn trọng quyết định của con. Nếu trẻ muốn mở sang trang tiếp theo, hãy cho phép con làm điều đó. Điều này giúp trẻ cảm thấy được quyền tự quyết và tự chủ trong việc đọc sách. Việc trẻ muốn mở sang trang tiếp theo cũng là dấu hiệu tốt. Điều này cho thấy con đang rất hào hứng muốn khám phá diễn biến câu chuyện sau đó.

Trong trường hợp này, cha mẹ cũng có thể thoả thuận với con rằng “Con hãy bình tĩnh!”. Tuy nhiên, nếu trẻ không đồng ý thì cha mẹ hãy tôn trọng quyết định của con.

Tuyệt đối không nên ép buộc trẻ phải đọc từng trang theo ý muốn của cha mẹ. Điều quan trọng là tôn trọng ý kiến và sự quyết định của trẻ và hỗ trợ trẻ phát triển niềm yêu thích và đam mê đọc sách một cách tự nhiên.

5. Đọc sách cho trẻ với giọng biểu cảm

Cha mẹ hãy đọc sách cho trẻ với tone giọng “điệu, giọng “trẻ con” cùng với biến đổi giọng theo nhân vật trong truyện, tăng cường biểu cảm trong giọng đọc giúp con cảm thấy gần gũi, hiểu và đồng cảm với câu chuyện hơn. Ví dụ, diễn tả lời thoại của sói thì cần tone giọng trầm, ồm hay giọng của chim sơn ca thì cần tone giọng cao, nhí nhảnh.

6. Kích thích tương tác với sách

Trong lúc cha mẹ đọc sách, hãy đặt trẻ ngồi vào lòng và để trẻ được sờ, nắm quyển sách. Trong những cuốn sách có hình ảnh minh hoạ,  Cha mẹ vừa đọc vừa chỉ tên các đối tượng, động vật, màu sắc,… để giới thiệu cho trẻ. Điều này giúp trẻ mở rộng vốn từ vựng và hiểu biết về thế giới xung quanh.

Ngoài ra, cha mẹ hãy yêu cầu con tham gia vào quá trình đọc như “Con có thể kể tiếp đoạn sau cho bố/mẹ nghe với được không?”. Đối với những cuốn sách đã đọc lại nhiều lần, bạn có thể đọc ngắt quãng để trẻ nối tiếp câu của bạn. Điều này còn giúp trẻ biết nói nhanh hơn.

7. Tăng cường hỏi đáp và thảo luận về sách

Sau khi đọc sách cho con, cha mẹ hãy hỏi cảm nghĩ của con về câu chuyện, nhân vật. Trong bữa cơm hay những khoảng thời gian gia đình tương tác với nhau, cha mẹ có thể hỏi con về nội dung cuốn sách con đang đọc và cùng nhau thảo luận về nó.

8. Tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với sách

Cha mẹ có thể đặt kệ sách ở nơi giải trí của con hoặc những vị trí trong tầm nhìn của con để con dễ dàng nhìn thấy và lấy sách để đọc. Cha mẹ cũng có thể đưa con đến những nơi có sách như thư viện, quán café sách, nhà sách,… để con được nhìn và tiếp xúc với sách nhiều hơn. Đồng thời, khi thấy có nhiều người cũng đọc sách, con cảm thấy thích thú đọc sách hơn.

9. Đọc sách theo nhóm

Cha mẹ hãy dành thời gian đọc sách cùng con. Đọc sách cùng con không có nghĩa cha mẹ đọc sách cho con mà mỗi người đọc 1 quyển sách khác nhau trong cùng một không gian, một khoảng thời gian. Điều này khiến cho trẻ cảm thấy mình có bạn đồng hành trong quá trình đọc sách. Không những thế, đây cũng là hành động cha mẹ làm gương cho trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ có thể gợi ý con mời bạn sang nhà cùng đọc sách và thảo luận về sách. Từ đó, chủ đề sách trở thành chủ đề yêu thích của con.

10. Tạo thói quen đọc sách cùng con hàng ngày

Cha mẹ có thể đặt ra một khung giờ cố định trong ngày hoặc trong tuần để gia đình cùng ngồi đọc sách và thảo luận về sách. Từ đó, tạo thói quen đọc sách cho trẻ. Đồng thời, cha mẹ hãy dành thời gian đọc sách cùng con hàng ngày. Tạo thói quen đọc sách hàng ngày không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng đọc mà còn thể hiện sự quan tâm và yêu thương của cha mẹ đối với việc đọc sách của con. Hãy chọn thời gian phù hợp, chẳng hạn như trước khi đi ngủ hoặc sau bữa ăn gia đình, để cùng nhau đọc sách và tận hưởng những giây phút thư giãn bên nhau. Đọc sách cùng con là cách tuyệt vời để tạo dựng sự gắn kết trong gia đình.

Nguồn : bau.vn