Theo đó, Ngọc Linh đã đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tham vấn bác sĩ về thủ tục xin tinh trùng để sinh con. Do thấy cô vẫn còn quá trẻ, các bác sĩ không đồng ý và khuyên cô nên về nhà suy nghĩ lại.
Tuy nhiên, gần đây, Linh lại tiếp tục đến viện để trình bày nguyện vọng, lần này cùng đi với cô là mẹ đẻ. Sau khi nghe nguyện vọng và được sự đồng ý của gia đình, các bác sĩ đồng ý làm thụ tinh ống nghiệm cho cô từ trứng tự thân và mẫu tinh trùng hiến. Linh đang trong giai đoạn kích trứng.
Thụ tinh ống nghiệm (minh họa)
Đây là một trong nhiều trường hợp bác sĩ Đỗ Thùy Hương tiếp nhận tại Trung tâm. Đa số phụ nữ đến xin tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm là người muốn làm mẹ đơn thân hoặc phụ nữ có chồng nhưng chồng không có tinh trùng.
Không chỉ riêng Linh, trước đây tại trung tâm, một nữ tiến sĩ 35 tuổi, giảng viên trường đại học ở Hà Nội đã kết hôn nhưng chưa có con. Kết quả kiểm tra buồng trứng của cô rất kém, siêu âm chỉ có 2 nang, giống như buồng trứng của người sắp mãn kinh. Vì thế, người phụ nữ này đã xin tinh trùng tại ngân hàng của trung tâm để thụ tinh ống nghiệm. Hiện, cô có hai phôi đông lạnh tại bệnh viện, có thể chuyển phôi để làm mẹ bất cứ lúc nào.
Hay, một cô gái 26 tuổi đến xin tinh trùng làm mẹ đơn thân. Cô thú nhận mình là đồng giới nữ, có cả bạn đồng giới đi cùng, nên các bác sĩ đã đồng ý cấy tinh trùng cho cô.
Đa số phụ nữ đến xin tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm là người muốn làm mẹ đơn thân hoặc phụ nữ có chồng nhưng chồng không có tinh trùng (minh họa)
Từ đầu năm đến nay, trung tâm có hơn 40 mẹ đơn thân đến xin mẫu tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tỷ lệ thành công phụ thuộc vào tuổi tác của người mẹ và chất lượng trứng. Ở nhóm phụ nữ đơn thân, tỷ lệ thành công rất cao.
Hiện, Trung tâm có gần 900 mẫu tinh trùng. Trong đó, 250 mẫu tinh trùng hiến, số còn lại là mẫu tự thân của những trường hợp bị ung thư, quai bị.
Người bên ngoài ít đến hiến tinh trùng (minh họa)
Người bên ngoài ít đến hiến tinh trùng, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép đã đưa ra giải pháp vận động sinh viên trong Trường Đại học Y Hà Nội hiến tinh trùng. Mỗi sinh viên chỉ được hiến một lần. Trước khi hiến, các sinh viên đều được khám sàng lọc rất kỹ lưỡng.
Các bác sĩ khẳng định ngày nay phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt, không kết hôn, hoàn toàn có thể làm mẹ nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Nguồn : Sức khỏe cộng đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/khong-muon-lay-chong-co-gai-tre-den-vien-xin-tinh-trung-de-lam-me-don-than-a184775.html