1. Tiêm vắc xin khi mang thai có cần thiết hay không?
Có rất nhiều lý do để khẳng định rằng việc tiêm vắc xin đầy đủ trước và trong khi mang thai là rất cần thiết:
-
Thai phụ nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm bởi khi mang thai, hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động kém hơn bình thường. Hệ miễn dịch kém khiến các loại virus dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
-
Nếu thai phụ mắc các bệnh truyền nhiễm trong thời gian mang thai thì khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến bào thai rất lớn, thậm chí có thể gây ra chết lưu, sinh non, dị tật bẩm sinh. Thai nhi sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi nếu thai phụ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: sởi, rubella, thủy đậu,…
-
Thai phụ tiêm phòng đầy đủ trước và trong khi mang thai giúp trẻ có được miễn dịch thụ động từ mẹ ngay sau khi chào đời. Thực tế đã cho thấy có một số loại vắc xin có khả năng giúp tăng sức đề kháng cho thai nhi ngay từ trong bụng mẹ. Điều này sẽ bảo vệ trẻ giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm khi chào đời.
-
Theo Bộ Y tế, vắc xin được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ trước và trong khi mang thai rất an toàn, không ảnh hưởng đến mẹ và bé nếu tuân đủ đúng các quy định về an toàn tiêm chủng.
Tiêm phòng vắc xin là cách đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả nhất
2. Lịch tiêm vắc xin khi mang thai đầy đủ cho mẹ bầu
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu cần thực hiện tiêm chủng trước và trong khi mang thai. Cụ thể như sau:
2.1 Tiêm vắc xin trước khi mang thai
-
Tiêm phòng sởi, quai bị, rubella: Đây là các bệnh lý rất dễ lây qua đường hô hấp. Trong thời gian mang thai, nếu mẹ bầu mắc phải 1 trong 3 bệnh lý này, thai nhi sẽ có nguy cơ bị dị tật, suy dinh dưỡng, thai chết lưu hoặc sinh non,… Vì thế, nếu có ý định mang thai thì các bạn nên tiêm phòng 3 mũi tiêm này trước đó 3 – 6 tháng, tối thiểu là 1 tháng trước khi mang bầu.
-
Tiêm phòng thủy đậu: Mẹ bầu bị thủy đậu sẽ khiến thai nhi có nguy cơ bị thủy đậu bẩm sinh, bị dị tật đầu nhỏ, bại não,… Bởi vậy, đây cũng là mũi tiêm quan trọng trước khi mang thai mà chị em phụ nữ cần lưu ý.
-
Tiêm phòng viêm gan B: Đây là loại vắc xin mẹ bầu có thể tiêm trước hoặc trong khi mang thai đều được. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên nên tiêm trước khi mang bầu để có nền tảng sức khỏe tốt nhất khi mang thai.
-
Tiêm phòng cúm: Cũng giống như viêm gan B, cúm có thể tiêm trước hoặc trong khi mang thai nhưng được khuyến cáo tiêm trước khi mang thai và tiêm nhắc lại hàng năm. Tiêm vắc xin phòng cúm giúp giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị các dị tật về hình thái như sứt môi, hở hàm ếch thậm chí là tim bẩm sinh.
Cúm là nguyên nhân gây ra các dị tật về hình thái như sứt môi, hở hàm ếch
-
Tiêm phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván: Vắc xin này chỉ cần tiêm một mũi duy nhất trong độ tuổi từ 4 – 64 tuổi. Loại vắc xin này nên được tiêm trước khi mang thai để phòng bệnh ho gà sơ sinh cho bé.
2.2 Tiêm vắc xin trong khi mang thai
Trong thời gian mang thai, các chuyên gia khuyến cáo thai phụ cần phải tiêm vắc xin uốn ván để phòng bệnh uốn ván cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, phác đồ tiêm phòng uốn ván có sự thay đổi tùy vào số lần mang thai. Cụ thể như sau:
-
Trường hợp thai phụ mang thai lần đầu: Thai phụ có thai lần đầu nên tiêm phòng 2 mũi uốn ván trong thai kỳ. Mũi đầu tiên có thể tiêm từ tuần 22, tối thiểu 1 tháng sau tiêm nhắc lại mũi thứ 2. Hai mũi uốn ván này cần phải đảm bảo tiêm xong trước ngày dự kiến sinh 1 tháng. Tốt nhất nên hoàn thành xong trước tuần thứ 32.
-
Trường hợp thai phụ mang thai lần sau: Những lần có thai tiếp theo, thai phụ chỉ cần tiêm 1 mũi vắc xin uốn ván nếu như lần mang thai trước đã tiêm đủ 2 mũi.
Thai phụ cần phải tiêm uốn ván đầy đủ trong thai kỳ
3. Tiêm vắc xin khi mang thai, mẹ bầu cần lưu ý điều gì?
Tiêm vắc xin khi mang thai mẹ bầu cần lưu ý một số vấn đề sau để tránh gây hại hoặc có tâm lý hoang mang ảnh hưởng xấu đến thai nhi:
-
Theo khuyến cáo, không nên tiêm vắc xin virus sống cho phụ nữ mang thai bởi đây là vắc xin được tạo ra bằng cách sử dụng các chủng virus sống, có thể nguy hại cho thai nhi. Vì vậy, phụ nữ cần tiêm vắc xin này trước khi có kế hoạch mang bầu.
-
Sau khi tiêm phòng uốn ván, thai phụ có thể xuất hiện hiện tượng sốt nhẹ, sưng đau tại vị trí tiêm thậm chí đau cả bắp tay. Điều này là hoàn toàn bình thường, thai phụ không cần quá lo lắng. Hiện tượng sốt nhẹ, người mệt mỏi và đau bắp tay này sẽ giảm sau tiêm một vài ngày.
Sau khi tiêm phòng cúm có thể xảy ra hiện tượng giả cúm như hắt hơi, sổ mũi
-
Với vắc xin phòng cúm, sau khi tiêm có thể xảy ra hiện tượng giả cúm như hắt hơi, sổ mũi kéo dài khoảng 1 – 2 ngày sau tiêm. Hiện tượng giả cúm này sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc.
-
Những trường hợp tiêm phòng xong bị sốt, thai phụ có thể tiến hành hạ sốt bằng các phương pháp tự nhiên như: lau người bằng khăn ấm, bổ sung thêm rau xanh, hoa quả giàu vitamin C vào chế độ ăn.
-
Nếu xảy ra một số bất thường như sốt kéo dài, sưng tấy lâu, tiêu chảy,… thai phụ tuyệt đối không sử dụng thuốc tùy tiện và nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Để đảm bảo quá trình chủng ngừa an toàn, hiệu quả, thai phụ nên chọn các trung tâm tiêm chủng hoặc bệnh viện lớn, uy tín để thực hiện tiêm chủng.
Nguồn : Sức Khoẻ Cộng Đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/tiem-vac-xin-khi-mang-thai-co-can-thiet-hay-khong-va-me-bau-can-luu-y-dieu-gi-a180887.html