Những lưu ý mang thai lần 2 sau khi sinh mổ lần 1

Sinh mổ từ lâu đã được nhiều chị em lựa chọn như một phương pháp vượt cạn màu nhiệm giúp giảm đau đớn và nguy hiểm cho ca sinh đẻ.

Những lưu ý cho lần mang thai sau khi sinh mổ?

Lúc nào có thể mang thai lần hai ?

Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, các chuyên gia sức khỏe sinh sản khuyến cáo những phụ nữ đã mổ đẻ lần đầu chỉ nên mang thai lần 2 từ sau 2 năm tính từ lúc sinh mổ lần đầu. Đây là khoảng thời gian cần thiết để vết mổ ở tử cung trong lần mổ đầu hoàn toàn bình phục và sức khỏe người mẹ được đảm bảo an toàn trong lần mang thai kế tiếp.

Mang thai lần 2 trước 2 năm tính từ khi sinh mổ lần đầu, cần lưu ý điều gì?

Khi phát hiện mang thai lần 2 trước 2 năm tính từ khi sinh mổ lần đầu, thai phụ cần siêu âm kịp thời để chẩn đoán sức khỏe thai nhi cũng như xem tình trạng vết mổ cũ có đảm bảo an toàn cho lần mang thai kế tiếp. Trong lần mang thai này, thai phụ cần nói cụ thể với bác sĩ điều trị về vết mổ cũ như: thời gian mổ, lý do mổ, thời gian nằm viện, những tai biến của lần mổ trước (băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản…), các tiền sử bệnh án liên quan đến vết mổ…

Sản phụ nên nhập viện trước ngày dự sinh 2 tuần lễ để làm các xét nghiệm tiền phẫu.

Ngoài ra, cần chú ý đến các dấu hiệu đau ở vết mổ cũ như: đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào đau nhói lên. Khi có các dấu hiệu này, thai phụ cần đến ngay bệnh viện có khoa sản gần nhất để được theo dõi.

Sản phụ nên nhập viện trước ngày dự sinh 2 tuần lễ để làm các xét nghiệm tiền phẫu và đánh giá xem có cần mổ lại hay có thể sinh ngả âm đạo.

Việc khám thai định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu đe dọa đến thai nhi và sức khỏe bà mẹ, từ đó kịp thời phòng tránh được các diễn biến xấu có thể xảy ra như mẹ bị xuất huyết nặng, nguy cơ phải bỏ thai…

Một yếu tố các sản phụ nên quan tâm đó phương pháp tránh thai, cần sử dụng các biện pháp tránh thai chặt chẽ và nghiêm ngặt để tránh tình trạng có thai ngoài ý muốn sau khi sinh mổ lần một.

Những nguy cơ rủi ro có thể gặp phải?

Nhau cài răng lược

Những trường hợp nhau tiền đạo, nhau bám thấp mặt trước ở những bệnh nhân có sẹo mổ cũ thì nguy cơ bị nhau cài răng lược rất cao. Đối với những trường hợp này khi sanh cần phải mổ lại và nguy cơ phải cắt tử cung, truyền máu. Đôi khi tổn thương những cơ quan lân cận như bàng quang, ruột… do bánh nhau xâm lấn vào những cơ quan này.

Nứt sẹo mổ cũ

Nứt sẹo mổ cũ là một tai biến sản khoa, thường gặp ở những thai phụ từng phẫu thuật lấy thai với đường mổ dọc thân tử cung, phẫu thuật bóc tách nhân xơ tử cung, phẫu thuật khâu tử cung vỡ, thủng tử cung sau nạo phá thai… Tai biến này có thể xảy ra trên thai phụ mang thai lần 2 sau sinh mổ trong vòng 6 – 9 tháng kể từ lúc sinh. Nứt sẹo mổ cũ tử cung trong thai kỳ thường xảy ra ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ

Triệu chứng: Bệnh nhân thấy đau nhói ở vùng tử cung thường là ở chỗ vết mổ cũ. Có khi choáng nặng gây nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ và thai nhi, đôi khi triệu chứng chỉ xuất hiện thoáng qua không gây nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ nhưng vẫn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của thai nhi.

Nguy cơ thai bám vào sẹo mổ cũ

Hiện tượng thai bám vào sẹo của vết mổ lấy thai cũ là một dạng thai ngoài tử cung rất nguy hiểm. Những người đã từng phẫu thuật tử cung sẽ có sẹo ở mặt trước eo tử cung. Trong khi đó, quá trình thụ thai, trứng đã thụ tinh thường bám vào mặt trước tử cung nên có thể xảy ra trường hợp thai bám vào vết sẹo này.

Có thể chia thành hai trường hợp: bám một phần ở sẹo hoặc cấy hoàn toàn vào trong lớp sẹo. Trong trường hợp thứ hai, các gai nhau sẽ ăn sâu vào cơ tử cung rồi xuyên vào bàng quang. Đối với những trường hợp này cần phải bỏ thai với điều trị nội khoa (dùng hóa chất Methotrexate) và hút thai. Đôi khi chảy máu nhiều cần phải cắt bỏ tử cung để cứu người phụ nữ.

Ngoài hai biến chứng nguy hiểm trên, thai phụ cũng có thể gặp phải nguy cơ vết mổ bị nhiễm trùng, nhau tiền đạo, nhau bong non, xuất huyết…

Nguy cơ cho con

Trường hợp những phụ nữ mang thai lần 2 cách lần sinh mổ trước dưới 18 tháng, trẻ có thể sẽ bị sinh non, nhẹ ký, vàng da, thính giác kém, kém phát triển về mặt trí tuệ, thể chất khi trẻ lớn lên.

Sinh ngả âm đạo sau khi sinh mổ lần đầu?

Việc sinh ngả âm đạo sau khi sinh mổ phải được xem xét rất kỹ lưỡng và dựa trên nhiều yếu tố như: lý do sinh lần đầu, loại sẹo tử cung từ lần sinh trước, khoảng cách giữa hai lần sinh, và các yếu tố khác như tuổi tác, cân nặng, kích thước thai nhi…

Việc sinh ngả âm đạo sau khi sinh mổ phải được xem xét rất kỹ lưỡng.

Có thể sinh thường sau khi sinh mổ nếu đáp ứng được tất cả các tiêu chí sau như:

– Mang thai lần hai sau 2 năm kể từ khi sinh mổ lần đầu

– Chỉ sinh mổ một lần trước đây với đường mổ ngang thân tử cung. Lưu ý rằng, kiểu sẹo trên bụng có thể không khớp với vết sẹo trên tử cung của bạn, do đó bác sĩ sẽ phải xem xét giấy xuất viện hoặc tường trình phẫu thuật sinh mổ trước đây mới xác định được loại sẹo.

– Thai nhi không to, thai thuận và diễn tiến chuyển dạ thuận lợi.

– Khung chậu đủ lớn để cho phép bé qua một cách an toàn. (Mặc dù không có cách nào để biết chắc chắn, bác sĩ có thể kiểm tra khung chậu của bạn để dự đoán).

– Chưa từng thực hiện cuộc phẫu thuật xâm lấn tử cung nào khác, chẳng hạn như phẫu thuật bóc u xơ tử cung…

– Không gặp phải vấn đề sức khỏe hoặc sản khoa nào có thể gây nguy hiểm cho việc sinh ngả âm đạo.

Tuy nhiên, việc sinh ngả âm đạo sau khi mổ, hiện vẫn còn gặp nhiều tranh cãi khác nhau. Vì vậy bạn nên cân nhắc kỹ khi quyết định sinh ngả âm đạo sau mổ.

Bài viết được sự tư vấn từ Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Mê Kông, TP.HCM.

Theo Phunutoday

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn