Sự sung túc, giàu có của một gia đình không chỉ đến từ mặt tài chính mà còn đến từ sự gắn kết, tình cảm thân thiết của các thành viên trong gia đình. Có những gia đình dù của cải vật chất dư thừa, giàu sang phú quý nhưng không hề cảm thấy hạnh phúc. Các thành viên trong gia đình quá mức bận rộn, số lần cả gia đình đoàn tụ, ngồi ăn với nhau bữa cơm chỉ tính trên đầu ngón tay.
Mỗi thành viên trong gia đình giống như viên gạch, góp phần xây dựng nên ngôi nhà vững chắc. Nếu một gia đình thường xuyên lục đục, không bao giờ thịnh vượng thi mỗi người cần nhìn lại các nguyên nhân sau:
Gia đình thường xuyên bất hòa khó thịnh vượng
Một gia đình mà các thành viên thường xuyên bất hòa, chồng cãi cọ với vợ, cha mẹ xích mích với con cái. Lúc nào cả nhà cũng nghi kỵ và hằn học lẫn nhau thì chỉ có thể ngày qua ngày khiến cho mối quan hệ giữa các thành viên trở nên nghiêm trọng và khó tháo gỡ.
Đã là người trong một nhà thì phải học cách bao dung nhau, biết đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu và thông cảm cho nhau.
Vẫn có câu: ”Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa đời đời không khê”, mỗi người hãy bớt đi vài lời trách móc, quan tâm nhau nhiều hơn một chút là gia đình tự khắc sẽ trở nên hòa thuận, cuộc sống sẽ dễ chịu hơn rất nhiều.
Hãy nghĩ một chút về những khó khăn, áp lực bạn gặp phải bên ngoài cuộc sống, có phải khi được về nhà, nói ra với người thân xong bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn, có động lực để vượt qua mọi khó khăn, đi đến thành công không?
Gia đình cưng chiều con cháu vô điều kiện
Yêu thương con cháu là điều mà bất cứ ông bà, cha mẹ nào cũng sẽ làm khi chung sống với nhau trong một gia đình. Nhưng sự cưng chiều quá mức sẽ tạo ra một đứa trẻ bướng bỉnh, ngỗ ngược, coi mình là số một.
Một đứa trẻ khi được lớn lên trong sự đãi ngộ quá cao sẽ coi mình là trung tâm, luôn ích kỷ, cao ngạo, độc đoán. Dần dần, những tính xấu này sẽ khiến các thành viên xảy ra xích mích, tình cảm ngày càng rạn nứt.
Trẻ con là tương lai của gia đình, đất nước. Chiều chuộng, đáp ứng con mù quáng chỉ khiến trẻ không thấu hiểu được đạo đức, lễ nghĩa ở đời, hại người hại mình, thế nào cũng trở thành tai họa. Gia đình sẽ mau chóng tuột dốc bởi sự hư hỏng của những “hậu duệ” như vậy.
Gia phong bất chính không thể thịnh vượng
Cha mẹ, người lớn trong gia đình chính là tấm gương để trẻ con soi vào, chúng sẽ sao chép hành vi của người lớn.
Chính vì thế, nếu người lớn có những hành vi xấu, không đúng mực thì trẻ con cũng không thể tốt đẹp được. Sự hình thành tính cách và thói quen ứng xử của một người có quan hệ mật thiết với sự giáo dục của gia đình.
Cải thiện bầu không khí của gia đình, xây dựng nề nếp gia đình tốt, dạy dỗ đúng cách, truyền lại những đạo lý tốt đẹp cho thế hệ sau. Mấu chốt của sự “giàu có” trong gia đình nằm ở sự giàu có của mỗi con người, không chỉ ở khía cạnh vật chất, mà còn ở khía cạnh tình thân, sự hòa thuận của các thành viên trong gia đình.
Nền tảng của một gia đình thịnh vượng, an khang chính là sự hòa thuận. Nền tảng vững chãi, cả gia đình mới có khả năng đương đầu với mọi giông bão. Nền tảng vững chãi, cả gia đình mới có thể tiếp tục xây dựng ngôi nhà ngày một kiên cố hơn. Chỉ có nền tảng vững chãi, gia đình này mới có hy vọng để thịnh vượng, viên mãn.
Nguồn : bau.vn