Những điều cần lưu ý khi tắm cho bé tại nhà
Nên tắm cho trẻ vào thời gian nào trong ngày?
Theo các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc bé, thời gian tắm tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là khi thời tiết ấm áp nhất trong ngày. Đó là vào khung từ 10-11 giờ trưa hoặc 16-17 giờ chiều.
Nhất là với thời tiết mùa đông, bên cạnh chọn thời gian để tắm cho con, cha mẹ còn cần lưu ý chuẩn bị cả máy sưởi. Do thời tiết lạnh giá, đặc biệt ở miền Bắc nên máy sưởi để gần khi tắm sẽ giúp trẻ bớt lạnh.
Có nên tắm hàng ngày cho trẻ không?
Thông thường đối với trẻ sơ sinh dưới 10 ngày tuổi, cơ thể của bé còn bị dính khá nhiều gây bẩn. Vì thế các bé nên được tắm hàng ngày cho nhanh sạch cơ thể. Tuy nhiên, nếu trời lạnh các mẹ chỉ nên tắm cho con 2-3 lần/tuần để tránh khiến con bị ốm.
Với các bé dưới 6 tháng tuổi cũng không cần thiết phải tắm quá nhiều, khoảng 3-5 lần/tuần. Bởi ở thời điểm này, con nhỏ không vận động nhiều nên ít ra mồ hôi, không lo bẩn.
Còn các bé trên 6 tháng tuổi, các mẹ hoàn toàn có thể tắm cho con hàng ngày nếu thời tiết không lạnh. Còn tắm khi trời lạnh, cha mẹ cũng đừng quên bật máy sưởi giúp con ấm áp hơn.
Bên cạnh đó chúng ta cũng cần lưu ý, thời gian trong mỗi lần tắm cho trẻ không nên quá 4 phút. Điều này tránh tình trạng trẻ bị ngâm nước quá lâu dẫn đến ốm, cảm lạnh,…
Cha mẹ cũng cần lưu ý khi con bị ốm, sốt. Lúc này cơ thể của con rất yếu, cảm thấy mệt mỏi. Việc tiếp xúc với nước lúc này càng khiến con ốm hơn nên tốt nhất chúng ta không tắm cho con.
Gội đầu trước khi tắm cho trẻ
Việc gội đầu trước khi tắm đơn giản bởi khi dội nước lên đầu, bọt dầu gội đầu sẽ chảy xuống người. Nếu ta tắm trước khi gội cho trẻ sẽ rất mất công xả lại cho sạch.
Khi gội đầu cho trẻ sơn sinh, các mẹ nên sử dụng khăn mềm để lau hoặc xoa bằng tay cho đến lúc sạch. Khi con lớn hơn một chút thì có thể xả nước trực tiếp bằng vòi để dội sạch dầu gội và bẩn.
Một lưu ý rất quan trọng trong quá trình gội đầu cho con, đó là một bàn tay của mẹ phải giữ vững đầu con và xoa nhẹ nhàng. Như vậy các bé sẽ thấy dễ chịu và không sợ hãi.
Kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm
Sau khi pha nước, ông bà hay bố mẹ tắm cho con cần kiểm tra lại nhiệt độ nước bằng lòng bàn tay. Cần đảm bảo nhiệt độ nước ở mức 38 độ, tránh nóng hoặc lạnh quá khiến trẻ không chịu được. Sau đó mới cho trẻ vào thau nước để tắm.
Vị trí đặt thau tắm cho con nhỏ cũng nên để ở nơi ấm áp, kín gió để con không bị lạnh khi gió lùa vào cơ thể đang ướt. Nếu điều này xảy ra sẽ khiến trẻ rất dễ bị ốm.
Không cho bé ăn no trước hoặc sau khi tắm quá gần
Cho trẻ ăn trước hoặc sau khi tắm trong thời gian ngắn đều không nên. Bởi các chuyên gia khuyên rằng, khi trẻ ăn no rồi đi tắm, bụng của con bị to rất khó chịu. Nhất là khi mẹ bế bé nằm ngửa ra gội đầu sẽ khiến bé rất dễ bị nôn trớ.
Còn sau khi vừa tắm xong, thời điểm này các mạch máu ngoại biên đang giãn ra, việc cung cấp máu cho trẻ bị giảm. Lúc đó khi mẹ cho bé ăn ngay sẽ khiến máu được chuyển đến hệ tiêu hóa ngay làm nhiệt độ cơ thể giảm xuống, các bé sẽ thấy lạnh.
Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết trước khi tắm
Tắm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần đến nhiều dụng cụ hơn người lớn. Những thứ quan trọng không thể thiếu gồm có:
♦ Thau tắm rộng cho bé ngồi thoải mái;
♦ Khăn mặt mềm;
♦ Sữa tắm, dầu gội đầu dành cho bé;
♦ Khăn tắm to để ủ cho bé sau khi tắm xong;
♦ Quần, áo sạch để mặc sau khi tắm;
♦ Tã lót hoặc bỉm của bé;
Các vật dụng này ba mẹ cần chuẩn bị đầy đủ cho con trước khi tắm để con không phải chờ đợi dễ bị lạnh. Ngoài ra, chúng ta có thể chuẩn bị thêm bấm móng tay để cắt móng tay, móng chân cho con.
Cách tắm cho bé tại nhà
Để tắm cho trẻ nhỏ đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng nhất, ba mẹ có thể thực hiện theo các bước cụ thể như sau:
Bước 1: Sắp xếp đầy đủ các đồ dùng cần thiết cho bé ở gần tầm tay của mình sao cho dễ lấy nhất.
Bước 2: Rửa sạch tay trước khi tắm cho con.
Bước 3: Pha nước ấm vào thau tắm hoặc bồn tắm cho con.
Bước 4: Kiểm tra nhiệt độ nước.
Bước 5: Cởi bỏ quần áo đang mặc của con và ủ vào chiếc khăn tắm
Bước 6: Gội sạch đầu cho con. Lưu ý, nghiêng đầu trẻ ra phía sau, dùng một tay đỡ phần đầu và cổ. Sau đó dùng khăn làm ướt đầu và thoa dầu lên gội cho bé. Dùng bàn tay xoa, gãi nhẹ nhàng rồi gội lại bằng nước sạch. Cuối cùng lấy khăn mặt khô lau đầu cho con, làm nhẹ nhàng tránh để nước vào mắt bé.
Bước 7: Dùng khăn mặt mềm rửa sạch mặt, hai bên tai của bé. Tuyệt đối không dùng sữa rửa mặt để rửa cho con mà chỉ dùng bằng nước sạch.
Bước 8: Tháo khăn tắm và thả từ từ con vào thau tắm. Các mẹ đừng quên dùng một tay để đỡ thân nếu trẻ chưa biết ngồi vững.
♦ Khi tắm thân mình cho trẻ: Chúng ta cần lưu ý bắt đầu làm sạch từ cổ, lưng trẻ trước rồi xuống phần bụng, cánh tay và các ngón tay con. Làm sạch khăn sau đó tiếp tục rửa lại phần vừa tắm. Tiếp tục làm như vậy đối với phần chân và bàn chân.
♦ Vùng bẹn mặc tã của trẻ tắm cuối cùng: Các mẹ tắm rửa cho bé từ phía trước rồi di chuyển ra phía mông. Bộ phận sinh dục của trẻ cần rửa nhẹ nhàng để khiến con không bị đau phần nhạy cảm đó.
Bước 9: Rửa lại cả người với nước sạch và ủ con bằng khăn khô, mềm.
Bước 10: Mặc tã, bỉm và quần áo cho con.
Trên đây là những điều cần lưu ý và cách tắm cho trẻ rất đơn giản nhưng lại rất quan trọng. Các mẹ hãy ghi nhớ để áp dụng khi tắm cho bé tại nhà một cách dễ dàng, an toàn nhất.
Nguồn : Sức khỏe 24h
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/cach-tam-cho-be-tai-nha-de-dang-nhat-a197568.html