Bác sĩ hướng dẫn mẹ bổ sung axit folic đúng cách nhất trước mang thai

Phụ nữ chuẩn bị mang thai cần bổ sung đầy đủ nguồn axit folic là điều bất cứ ai cũng đều biết tới. Nhưng bổ sung theo cách nào thì mẹ nên lắng nghe những hướng dẫn của các bác sĩ mà Bầu sẽ tổng hợp lại ngay sau đây nhé.

Sinh ra những đứa con khỏe mạnh luôn là mong ước của các bậc cha mẹ. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để các bà mẹ phòng tránh dị tật ống thần kinh cho con là cung cấp đầy đủ axit folic mỗi ngày, đặc biệt trước và trong thời kỳ mang thai.

Bác sĩ Thu Thủy (BV Từ Dũ – Tp. HCM) cho biết, axit folic quan trọng cho sức khỏe của mẹ và giúp thai nhi tăng trưởng khỏe mạnh, phát triển cột sống và bộ não của bé. Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh, nồng độ axit folic trong máu người mẹ rất cần thiết cho việc đóng ống thần kinh bình thường. Những bà mẹ có nồng độ axit folic trong máu thấp sẽ có nguy cơ sinh con bị nứt đốt sống. Một yếu tố quan trọng khác là khi có thai, thận lọc axit folic tăng gấp 4 lần tốc độ bình thường. Như vậy, nếu thai phụ không bổ sung đều đặn, lượng axit folic sẽ bị suy giảm và hậu quả là dẫn đến những nguy cơ cho bé

1. Vai trò của axit folic

Top 20 thực phẩm phòng chống dị tật thai nhi hiệu quả

Thai nhi có nguy cơ dị tật rất cao nếu mẹ không bổ sung đủ nguồn axit folic từ trước khi mang thai

–  Tạo ra và duy trì tế bào mới:

Axit folic có vai trò sinh học trong việc tạo ra tế bào mới và duy trì chúng. Nó đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phân chia và phát triển nhanh của tế bào ở trẻ sơ sinh. Chất này cần thiết trong việc nhân đôi ADN và giúp tránh đột biến ADN vốn là một yếu tố gây ung thư. Axit folic cũng đóng một vai trò quan trọng đối với sự hình thành, phục hồi và bảo vệ DNA.

– Ngăn những biến chứng với thai nhi:

Là loại vitamin rất quan trọng với phụ nữ, đặc biệt là bà bầu hay những người chuẩn bị sinh con, axit folic giúp ngăn ngừa các biến chứng xảy ra với thai nhi và khiếm khuyết ống thần kinh là thường gặp nhất. Tất cả các khiếm khuyết này xảy ra trong 28 ngày đầu của thai kỳ, thường trước khi người phụ nữ biết mình có thai.

– Tăng hệ miễn dịch cơ thể:

Axit folic giúp tăng cường quá trình sản sinh lượng bạch cầu trong máu (yếu tố đóng vai trò bảo vệ giúp cơ thể chống lại sự tấn công của các loại vi khuẩn và bệnh tật), đồng thời giúp tăng cường khả năng “chiến đấu” của những bạch cầu này.

– Phòng thiếu máu ở thai phụ:

Thai phụ thiếu máu có nguy cơ đẻ con nhẹ cân và dễ bị chảy máu ở thời kỳ hậu sản, con sinh ra có tình trạng dự trữ sắt thấp. Vì vậy thiếu máu, thiếu sắt trong thời kỳ thai nghén là một đe dọa nghiêm trọng. Để hạn chế tình trạng này, người mẹ phải được cung cấp axit folic đầy đủ để bổ sung lượng máu cần thiết.

2. Bổ sung thế nào?

– Trước khi có thai:

Các khiếm khuyết ống thần kinh thường xảy ra trong 4 tuần đầu của thai kỳ nên chị em trong độ tuổi mang thai cần phải có đủ lượng axit folic. Các nhà khoa học khuyến cáo, phụ nữ dự định mang thai phải bắt đầu bổ sung đủ axit folic 3 tháng trước thời điểm dự định có thai bằng chế độ ăn uống các thực phẩm giàu loại axit này hoặc uống thuốc. Lượng axit folic cần thiết cho giai đoạn này trung bình mỗi người cần khoảng 400mcg (0,4mg).

– Khi mang thai:

Để đề phòng thiếu máu cho mình và phòng tránh những dị tật liên quan đến ống thần kinh cho con, thai phụ cần bổ sung 600mcg/ngày. Những trường hợp đặc biệt như có tiền sử thiếu máu, đã từng sinh con có những dị tật bẩm sinh thì lượng axit folic cần bổ sung sẽ nhiều hơn và nên tham khảo bác sĩ sản khoa để sử dụng axit folic hợp lý.

– Khi cho con bú:

Mỗi ngày cần đượccung cấp khoảng 500mcg.

Bác sĩ hướng dẫn mẹ bổ sung axit folic đúng cách nhất trước mang thai - ảnh 2

Phụ nữ cần có kế hoạch bổ sung axit folic ít nhất 3 tháng trước thời điểm dự định có thai

3. Nguồn axit folic

Axit folic có sẵn dưới nhiều dạng như sau:

– Trong các loại gan (lợn, gà, bò). Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều gan, chỉ nên duy trì một lần/tuần.

– Trong các loại rau (màu xanh càng đậm càng tốt), nấm, bắp, đậu hà lan, cà rốt, cà chua, cam…

– Trong hoa quả như chuối, dưa hấu, chanh, cam, bưởi, bơ…

– Các loại ngũ cốc, bột ngũ cốc nguyên và mì ống, bánh mì, yến mạch.

Bác sĩ hướng dẫn mẹ bổ sung axit folic đúng cách nhất trước mang thai - ảnh 3

Các bác sĩ khuyên tốt nhất là mẹ nên tận dụng axit folic trong nguồn thực phẩm tự nhiên

– Trong thuốc dạng viên và dạng uống. Dạng viên, uống ngày 1 viên (400mcg) từ 3 tháng trước khi có thai đến khi sinh. Dạng uống, mỗi ngày dùng 1 bịch (khoảng 1 ly đầy) sẽ chứa đủ lượng axit folic cần dùng.

4. Một số lưu ý

– Cách uống: Tốt nhất, bạn nên uống sau bữa ăn 30 phút với nước lọc, tuyệt đối không uống kèm sữa hoặc nước hoa quả. Bà Bầu nên tránh uống khi đói, nhất là lúc vừa thức dậy vì nó sẽ làm tăng cơn nghén buổi sáng. Có thể uống vào buổi tối trước khi đi ngủ 2 tiếng và nên nhớ, ăn một chút nhẹ như cháo, bánh mỳ, hoa quả… trước khi uống.

– Không được ngâm, luộc, nấu thực phẩm quá lâu: Axit folic rất dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ cao trong quá trình chế biến. Ngâm, rửa quá lâu cũng là nguyên nhân gây thất thoát thành phần axit folic trong nguồn thực phẩm xanh.

– Không được dùng quá nhiều: Mặc dù rất cần thiết nhưng dùng quá nhiều, axit folic có thể gây tác hại không nhỏ cho sức khỏe. Nếu thừa, có thể gây ra chứng ngứa, nổi ban, mề đay và rối loạn tiêu hóa… Do vậy, cần bổ sung đúng lượng axit folic cần thiết. Axit folic là một dạng sinh tố tan được trong nước, khi bị dị ứng do dùng quá liều, bạn chỉ cần uống thật nhiều nước để lượng axit dư thừa được thải ra ngoài qua đường tiểu.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng