Dưới đây là những giải đáp xoay quanh thực đơn dành cho trẻ bị viêm tiểu phế quản của Th.S Bác sỹ Đặng Ngọc Hùng, chuyên gia dinh dưỡng, Giảng viên thỉnh giảng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, Founder tại H&H Nutrition.
Viêm tiểu phế quản là một trong những căn bệnh hô hấp thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng ho, khò khè, thở nhanh,… do tình trạng tắc nghẽn đường thở vì viêm nhiễm cấp tính. Nguyên nhân viêm tiểu phế quản trẻ em chủ yếu là do các loại siêu vi hợp bào hô hấp RSV, thường xảy ra theo mùa dịch tễ.
Đi kèm các triệu chứng ở đường hô hấp như: ho, khò khè,… có thể xuất hiện triệu chứng toàn thân do nhiễm siêu vi như: sốt, đau nhức toàn thân, mệt mỏi. Các triệu chứng này ít nhiều ảnh hưởng đến việc ăn uống của trẻ, dễ dàng làm trẻ suy kiệt, đặc biệt trong giai đoạn trẻ cần nhiều dinh dưỡng để phát triển cơ thể.
Bên cạnh đó, trẻ hiện tại đang mắc suy dinh dưỡng sẽ làm bệnh nặng hơn do sức đề kháng cũng như miễn dịch của trẻ kém hơn, thiếu những vi chất cần thiết cho quá trình phục hồi sau bệnh. Tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý, kể cả viêm tiểu phế quản, có liên quan mật thiết với nhau. Nếu dinh dưỡng kém sẽ dễ mắc bệnh; sau khi mắc bệnh rồi sẽ ăn kém hơn thì thể trạng dần suy yếu và dễ xảy ra biến chứng và mắc thêm các bệnh khác; tạo thành một vòng xoáy bệnh lý.
Nguyên tắc điều trị viêm tiểu phế quản cơ bản là điều trị triệu chứng, quan trọng phải cung cấp đầy đủ nước, điện giải, oxy và dinh dưỡng cho trẻ. Dinh dưỡng cần cung cấp đầy đủ nhu cầu cần thiết để hạn chế sụt cân, tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa suy dinh dưỡng cũng như biến chứng của bệnh. Không có chế độ ăn uống cụ thể nào cho trẻ viêm tiểu phế quản.
Tuy nhiên, cần chú ý đến các vấn đề dinh dưỡng sau đây để đảm bảo trẻ có thể chống chọi lại bệnh. Để đảm bảo đủ năng lượng khi trẻ ăn ít, không nên ép trẻ ăn ngay trong 1 lần mà nên chia nhỏ ra và tăng số lượng bữa ăn trong ngày. Đối với trẻ dưới 6 tháng, tiếp tục cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu.
Mẹ cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng vào trong chế độ ăn của mình để đảm bảo chất lượng sữa cho bé. Trẻ từ 6 tháng trở lên, mẹ có thể tăng đậm độ năng lượng trong khẩu phần ăn của con bằng cách pha thức ăn đặc hơn, thêm dầu ăn sau đó thêm các loại bột men để làm loãng thức ăn. Có thể sử dụng các loại bột tăng thêm năng lượng để pha thêm vào sữa, thức ăn của trẻ mà không làm thay đổi mùi vị món ăn.
Chất đạm có giá trị sinh học cao từ thịt, cá, trứng, sữa,… rất cần thiết cho quá trình hồi phục cơ thể của trẻ, đảm bảo nguồn nguyên liệu để xây dựng mô cơ thể và phát triển xương. Cần chú ý bổ sung đầy đủ chất đạm cho bé trong giai đoạn này. Các loại rau quả và trái cây cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể, chống lại các tác nhân oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Nếu trẻ biếng ăn trái cây thô có thể xay thành sinh tố, nghiền nát trái cây.
Một số loại trái cây và rau xanh có thể tăng cường hệ miễn dịch trong thời gian trẻ bệnh bao gồm: ổi, cam, bưởi, quýt, đu đủ, ớt chuông, cải bó xôi, rau bina,… Khi ăn nhiều rau xanh và trái cây, cần chú ý khẩu phần ăn phải có chất béo để hỗ trợ hấp thu các loại vitamin tan trong dầu. Chất béo Omega 3 có nhiều vai trò tích cực đối với trẻ em: hỗ trợ phát triển trí não, điều hòa miễn dịch, kháng viêm, tăng cường sức khỏe hệ tim mạch. Có thể cung cấp omega 3 vào chế độ ăn của bé từ các loại thực phẩm: cá thu, cá hồi, cá trích, dầu gan cá tuyết, sữa, nước ép, cải xoăn, rau bó xôi, cải xanh….
Nhờ tính kháng viêm, omega 3 có thể làm giảm các triệu chứng của tình trạng viêm đường hô hấp như ho, khò khè. Ngoài ra, các loại cá biển sâu cũng là nguồn cung cấp chất đạm dồi dào.
Sữa và các chế phẩm từ sữa: Sữa cao năng lượng có thể bổ sung thêm năng lượng trong giai đoạn trẻ kém ăn. Sữa chua các loại giúp bổ sung thêm probiotic tăng cường miễn dịch. Phô mai ngoài cung cấp năng lượng có thể bổ sung thêm nhiều canxi.
Tránh cho trẻ ăn quá no, làm căng dạ dày khiến trẻ khó thở hơn. Các thực phẩm sinh hơi như: các loại đậu, bông cải xanh, măng tây, hành củ, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, dưa hấu, kẹo cao su, nước ngọt có ga,… là những loại thực phẩm có thể gây đầy hơi chướng bụng. Uống đủ nước là yếu tố quan trọng để tránh mất nước trong trường hợp trẻ sốt.
Lượng nước tính theo nhu cầu của trẻ em được tính như sau:
– Trẻ dưới 10kg cần 100 ml nước cho mỗi kg cân nặng.
Vì vậy, trẻ 10 kg sẽ cần khoảng 1000 ml nước, tương đương 1 lít nước/ngày – Trẻ trên 10kg, cần 1000 ml cộng thêm 50 ml nước cho mỗi kg cân nặng tăng thêm sau 10 kg. Ví dụ trẻ 14 kg cần: 1000 + 4×50 = 1200 ml nước.
– Sau khi tính xong, cần nhớ trừ ra lượng sữa và nước trong các loại thực phẩm ăn trong ngày để ra lượng nước cần uống thêm. Để phòng tránh nhiễm trùng hô hấp dưới hay viêm tiểu phế quản ở trẻ em, ngoài chế độ dinh dưỡng lành mạnh, các bậc phụ huynh nên chú ý bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất sau:
– Vitamin A: ngoài phòng chống bệnh khô mắt, quáng gà, mù vĩnh viễn, vitamin A còn có vai trò tăng cường sức đề kháng ở đường hô hấp của trẻ em đối với tình trạng nhiễm trùng. Vitamin A được bổ sung định kỳ cho trẻ dưới 5 tuổi, 2 lần/năm tại các trạm y tế phường/xã.
– Kẽm: giúp trẻ ăn ngon miệng, tăng cường hấp thu dinh dưỡng, tăng tổng hợp và phân chia tế bào phát triển chiều cao, tham gia vào chức năng sinh dục của cơ thể. Ngoài ra, kẽm còn giúp biệt hóa các tế bào miễn dịch lympho B và lympho T, chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Các thực phẩm có chứa nhiều kẽm bao gồm: hải sản, hàu, thịt bò, thịt heo, các loại hạt, tôm đồng,…
– Canxi và vitamin D: thiếu hai vi chất này sẽ dẫn đến còi xương, gia tăng nguy cơ viêm phổi, viêm đường hô hấp lên nhiều lần. Vì vậy, cần chú ý cho trẻ uống đủ sữa, tăng cường thực phẩm nhiều canxi (tôm đồng, cá, hải sản,…) và bổ sung vitamin D thường xuyên cho bé.
Viêm tiểu phế quản là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính thường gặp ở trẻ em ảnh hưởng rất nhiều đến thể trạng cũng như sự phát triển của trẻ.
Chế độ dinh dưỡng khi chăm sóc trẻ bệnh thường rất quan trọng để đảm bảo ngăn ngừa sụt cân, suy dinh dưỡng và giúp trẻ phòng tránh biến chứng cũng như rút ngắn thời gian điều trị. Dù trong giai đoạn trẻ bệnh hay khỏe, cha mẹ nên chú ý tăng cường các thực phẩm tăng sức đề kháng cho con.
Nguồn : Sức Khỏe Cộng Đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/bac-sy-giai-dap-bac-sy-giai-dap-thuc-don-cho-tre-bi-viem-tieu-phe-quan-a194196.html