Người Drokpa hay còn gọi là Brokpa, sinh sống rải rác trong các ngôi làng nhỏ, tại thung lũng Dahanu màu mỡ của vùng Ladakh, giữa lãnh thổ liên bang Jammua và Kashmir, Ấn Độ. Bộ tộc này được cho là hậu duệ cuối cùng của người Aryan cổ đại, những người nói ngôn ngữ Ấn – Âu, định cư ở Iran và tiểu lục địa phía bắc Ấn Độ thời tiền sử. Họ nổi tiếng với truyền thống tự do trao đổi vợ trong cộng đồng của mình.
Người Drokpa khác biệt với người Tây Tạng – Mông Cổ cùng sống trong vùng Ladakh về các mặt như thể chất, văn hóa và ngôn ngữ. Họ là người có vóc dáng cao, da trắng, xương gò má cao, mũi thẳng và mắt sáng màu, một số người cũng có tóc vàng. Đây cũng chính là lý do người Drokpa chỉ kết hôn trong cộng đồng, thay vì lựa chọn bạn đời ngoài bộ tộc, mục đích của việc này là để duy trì dòng máu thuần chủng.
Điểm khác biệt lớn nhất của người Drokpa chính là truyền thống công khai tình cảm và trao đổi vợ. Họ không ngần ngại hôn nhau với người lạ tại nơi công cộng, dù mình hoặc đối phương đã có mối quan hệ hôn nhân. Trong một số gia đình, anh trai thường tự do trao đổi, chia sẻ vợ cho các em trai để tránh việc phải phân chia tài sản và việc này được coi là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, truyền thống văn hóa này gây ra nhiều tranh cãi và bị coi là không văn minh. Chính quyền đã lệnh cho họ chỉ được thực hiện nghi thức này ở nhà, hoặc hội trường cộng đồng, khi không có người lạ.
Người Drokpa chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gồm bò, dê và yak để tạo ra tài nguyên và duy trì cuốc sống. Nguồn thu nhập chính của họ đến từ mơ, táo, nho, rau củ quả. Thức ăn chủ yếu của người Drokpa là tsampa (bột lúa mạch rang) và sữa yak.
Các ngôi làng của người Drokpa ở nơi xa xôi và hẻo lánh. Du khách chỉ có thể tới đây thăm quan bằng cách đi đường bộ thông qua thị trấn Leh, khu vực Jammua và Kashmir. Ở Leh có sân bay, với những chuyến bay thẳng từ Delhi và Mumbai. Du khách muốn tới đây cần có giấy phép nội tuyến được xin tại văn phòng du lịch trong thị trấn. Đến đây tham quan, khám phá và trải nghiệm, du khách cần trả 450 INR (140.000 đồng) phí bảo vệ môi trường hoặc thuê công ty du lịch địa phương giá 600 INR (185.000 đồng) để xin giấy phép và hỗ trợ tham quan.
Nguồn : bau.vn