Mỗi mốc thai quan trọng như nhau nên mẹ bầu cần thăm khám đầy đủ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.
Lần khám thứ nhất
Nếu thấy bị chậm kinh 3 tuần và có những dấu hiệu nghi ngờ có thai như buồn nôn, thử que lên 2 vạch, người mệt mỏi… thì các chị em nên đi khám thai để chắc chắn là mình đã có thai hay chưa. Lần khám đầu tiên này, các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm. Nếu đã mang thai ở tuần thứ 8, các mẹ có thể nghe thấy nhịp tim của con.
Bên cạnh đó, một số bệnh lý nguy hiểm có thể phát hiện trong lần thăm khám này như đái tháo đường, tăng huyết áp, u xơ tử cung, ung thư buồng trứng… Các bác sĩ sẽ tư vấn tình trạng sức khỏe của người mẹ có nên tiếp tục mang thai hay phải chấm dứt thai kỳ ngay lúc này.
Lần khám thai thứ 2 (Tuần 11-14)
Từ tuần thứ 11- 14, đây là thời điểm duy nhất có thể đo độ mờ da gáy ở thai nhi. Các bác sĩ sẽ siêu âm nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm như: bệnh down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành… Vì vậy, các mẹ nên lưu lại để thăm khám đầy đủ.
Ngoài siêu âm, trong khoảng thời gian này, thai phụ nên làm xét nghiệm doule test để kiểm soát các bất thường bẩm sinh của thai nhi.
Lần khám thai thứ 3 (Tuần16-20)
Vào tuần thứ 16, sản phụ được siêu âm để kiểm tra kĩ về dị tật của thai và tiến hành thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để theo dõi sự phát triển của thai. Vào khoảng tuần thứ 15-19 thì có thể phát hiện được những dị tật bẩm sinh hay dị dạng bào thai.
Nếu không phát hiện sớm ở những tuần lễ này thì khi thai lớn hơn, sẽ rất khó để tìm ra những bất thường về hình dạng nên sản phụ cần đến khám đúng theo lịch khám thai định kỳ mà bác sĩ đưa ra. Nếu có dị dạng thì sản phụ có thể phải chấm dứt thai kỳ hoặc sẽ phải xử lý ngay khi có thể.
Đến tuần thứ 20 thì có thể phát hiện được huyết áp thai kỳ để đề phòng được bệnh lý tiền sản giật, sản giật có thể xảy ra trong những tuần tiếp theo. Trong lần khám này thì có thể biết được bào thai có bị suy dinh dưỡng trong tử cung hay không, từ đó sẽ có những thay đổi trong khẩu phần ăn của người mẹ để khắc phục tình trạng này.
Lần khám thai thứ 4 (Tuần 21-25)
Vào khoảng tuần thứ 21-22, nếu máy móc tốt, bác sĩ có tay nghề và kinh nghiệm thì có thể quan sát được gần như tất cả những bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng…
Ngoài ra, đây là mốc thai quan trọng để phát hiện tình trạng hở eo tử cung, bệnh lý u buồng trứng ở người mẹ nếu cần đình chỉ thai nghén thì phải làm trước tuần thứ 28.
Lần khám thai thứ 5 (Tuần 26-28)
Đặc biệt, trong các mốc khám thai định kỳ thì đây là lần khám thai mà sản phụ sẽ được tiêm mũi vắc-xin phòng uốn ván kèm theo, có thể là tiêm lần đầu hoặc tiêm nhắc lại.
Lần khám thai thứ 6 (Tuần 31-35)
Từ tuần 31-32 thì sản phụ sẽ được khám, siêu âm và thực hiện tiêm phòng vắc-xin uốn ván lần thứ 2 trong thai kỳ của mình. Trong lần khám này thì sẽ biết được ngôi thai, khung chậu có bị bất xứng với trọng lượng thai không… từ đó có thể nhận biết trước và tiên lượng cuộc để một cách tốt nhất.
Lần khám thai thứ 7 (Tuần 36-38)
Đây có thể là thời gian sinh của sản phụ, có thể là sinh thường hoặc sinh mổ. Một số trường hợp như nhau tiền đạo, hẹp khung chậu, có vết mổ cũ thì chỉ định sinh mổ là bắt buộc. Ngoài ra, trong giai đoạn chuẩn bị sinh này thì sản phụ sẽ được theo dõi kỹ càng về tình trạng sức khỏe, tình trạng nước ối, nhau thai, tình trạng thai nhi, tim thai, trọng lượng thai, ngôi thai… để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ và cuộc sinh được tiến hành thuận lợi nhất.
Chính vì thế, đây được xem là mốc thai quan trọng nhất trong tất cả các mốc khám thai định kỳ.
Nguồn : Sức Khỏe 24h
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/cac-moc-thai-quan-trong-me-can-luu-lai-de-tham-kham-a197477.html