Dọn dẹp và bài trí bàn thờ ngày Tết để đón năm mới không chỉ bày tỏ sự tôn kính tổ tiên mà còn là nét đẹp trong văn hóa, thể hiện sự hiếu thảo, uống nước nhớ nguồn của người Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách làm và làm đúng theo phong tục truyền thống.
Bàn thờ ngày Tết thường có những gì?
Theo phong tục truyền thống, bàn thờ gia tiên ngày Tết của người Việt, tùy vào từng vùng miền, mà có thể có sự khác nhau đôi chút, nhưng thường không thể thiếu những món đồ cơ bản như: Mâm ngũ quả, các đồ thờ cúng nói chung và hoa tươi…
Đồ thờ cúng là thứ rất quan trọng trên bàn thờ ngày Tết của gia đình. Thông thường đồ thờ cúng sẽ bao gồm những vật phẩm như sau: nến (có thể thay thế bằng đèn dầu, đèn điện), hoa tươi, 3 chén rượu, 3 chén nước, hương và trái cây.
Đặc biệt, với nhiều gia đình Việt thì mâm ngũ quả sẽ là thứ không thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày Tết. Tuy nhiên, tùy vào từng vùng miền mà mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết ở gia đình có sự khác nhau khá rõ. Cụ thể, do dựa trên thuyết ngũ hành tương sinh nên mâm ngũ quả của người miền Bắc thường gồm có các loại quả điển hình như: chuối xanh, quất, phật thủ (hoặc bưởi), thanh long và đu đủ.
Vô đến miền Trung, do không quá cầu kỳ nên mâm ngũ quả của người dân miền này có sự khác biệt rất rõ, chỉ thường bao gồm các loại quả quen thuộc như: dừa, chuối, cam (quýt), đu đủ, xoài.
Còn người miền Nam, do thường rất sùng lễ bái nên việc trang trí và bày biện hoa quả trên bàn thờ ngày Tết cũng khá cầu kì. Không như người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo ngũ hành tương sinh, người miền Nam thường bài trí mâm ngũ quả nhằm thể hiện mong muốn năm mới đủ đầy. Do vậy, trên mâm ngũ quả của người miền Nam thường có các loại trái cây cơ bản như: đu đủ, mãng cầu, xoài, dừa và quả sung.
Cách bài trí bàn thờ ngày Tết
Như đã nói, việc trang trí bàn thờ gia tiên ngày Tết thật sạch sẽ, gọn gàng để vừa bày tỏ lòng hiếu kính của gia chủ đối với tổ tiên và ông bà vừa cầu mong năm mới gia đạo luôn được bình an, may mắn. Để bài trí bàn thờ gia tiên đúng cách, gia chủ có thể tham những gợi ý cơ bản như sau:
– Bàn thờ gia tiên phải được đặt ở những nơi cao ráo trong nhà và mặt bàn thờ phải hướng về phía mệnh của gia chủ. Bát hương phải được đặt chính giữa bàn thờ, không nên để sang trái hoặc phải vì như thế sẽ tạo nên thế tam tài, không hay.
– Sau khi hoàn tất việc lau dọn bàn thờ gia tiên sạch sẽ, gọn gàng thì đến ngày cuối cùng của năm cũ (ngày 30 Tết) mới nên bày biện các loại lễ vật lên bàn thờ như bánh trái, hoa quả, nhang đèn… Tùy theo phong tục mà gia chủ có thể lựa chọn cho phù hợp.
– Không được đặt bàn thờ ở gần khu vực nhà vệ sinh hoặc ở lối người nhà thường đi qua đi lại, bởi như thế sẽ làm mất đi sự trang nghiêm, thanh tịnh nơi thờ cúng, thậm chí còn gây ô uế không gian quan trọng này.
– Không nên đặt bàn thờ trên nóc tủ, không dùng gỗ đã qua sử dụng để làm bàn thờ và cũng treo ảnh người quá cố cao hơn bàn thờ.
Tuy những thông tin như trên chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng ông bà ta xưa nay vẫn quan niệm rằng: “Có thờ có thiêng có kiêng có lành”, vì vậy, khi dọn dẹp ban thờ để chào đón năm mới chúng ta cũng nên chú ý đến những điều như trên để cầu mong mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng và tài lộc cho gia đình mình trong năm mới.
Nguồn : bau.vn