Bệnh máu khó đông hay Hemophilia là rối loạn đông máu gây ra do thiếu hụt một số yếu tố đông máu. Người mắc bệnh máu khó đông có thể bị xuất huyết không thể kiểm soát bởi một chấn thương rất nhỏ, chảy máu vào các khớp và cơ bắp gây đau dữ dội dẫn tới tàn tật, thậm chí chảy máu vào não còn có thể gây tử vong. Đây là một bệnh rất hiếm gặp, trong 10.000 nam giới sinh ra thì mới có 1 người mắc bệnh máu khó đông. Hầu hết trường hợp mắc bệnh là do di truyền. Bệnh chủ yếu gặp ở nam giới, nhưng người mang gen bệnh lại là phụ nữ. Bệnh nhân máu khó đông phải được bác sĩ theo dõi sát sao. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, tránh bị chấn thương gây chảy máu. Trong sinh hoạt hàng ngày khi gặp sự cố chảy máu dù nhỏ cũng cần phải đến cơ sở y tế để xử lý vết thương ngay. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân máu khó đông hằng ngày cũng phải hết sức chú ý.
Những thực phẩm nên dùng trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân máu khó đông
Thực phẩm giàu canxi cần thiết trong dinh dưỡng cho bệnh nhân máu khó đông
Những thực phẩm giàu canxi sẽ giúp hỗ trợ hình thành tiểu cầu và hỗ trợ đông máu. Đồng thời cũng như ngăn ngừa vết thương chảy máu nhiều. Bênh nhân máu khó đông nên ăn nhiều súp lơ xanh, xà lách, đậu phụ, các sản phẩm sữa, sữa đậu nành, măng tây, cam, hạt hạnh nhân,…
Thực phẩm giàu chất sắt
Khi bệnh nhân chảy máu, lượng sắt trong cơ thể sẽ bị mất đi. Bổ sung thực phẩm giàu chất sắt trong chế độ ăn sẽ giúp cơ thể hình thành huyết sắc tố. Hãy lựa chọn thịt nạc đỏ, đậu, thịt gia cầm và nho khô.
Bên cạnh đó, sắt được hấp thụ tốt hơn khi ăn với vitamin C như cam và cà chua.
Thực phẩm chứa vitamin C
Chế độ dinh dưỡng giàu vitamin C có thể giúp cải thiện quá trình đông máu. Bên cạnh đó, hãy lựa chọn các loại trái cây như dâu tây, cam, táo, kiwi, rau bó xôi, quả việt quất, dứa, đu đủ.
Thực phẩm giàu vitamin K cần thiết trong dinh dưỡng cho bệnh nhân máu khó đông
Vitamin K giúp sản xuất prothrombin- yếu tố cần thiết cho quá trình đông máu và chất glycogen- giúp cải thiện chức năng gan và đông máu. Đồng thời vitamin K cũng giúp kiểm soát tình trạng chảy máu nhiều. Vitamin K có nhiều trong các thực phẩm như rau bó xôi, súp lơ xanh, củ cải, cải thảo, măng tây, rau diếp cá, yến mạch, dầu ô liu, trà xanh.
Thực phẩm giàu vitamin B
Tất cả các vitamin B đều giàu riboflavin và niacin, là hai chất giúp cải thiện việc sản xuất và lưu thông máu. Đặc biệt, vitamin B12 và vitamin B6 còn hỗ trợ sản xuất hồng cầu. Những thực phẩm giàu vitamin B: chuối, đậu Hà Lan, bắp, nước cam, lòng đỏ trứng, thịt gia cầm, cá, phô mai lên men, ngũ cốc nguyên hạt và đậu nành.
Uống đủ nước
Bệnh máu khó đông cần phải uống nước đầy đủ bởi cơ thể của người bệnh cần đủ lượng nước để hoạt động hiệu quả. Mỗi ngày nên uống 8 đến 12 cốc nước và uống nhiều hơn nếu hoạt động nhiều.
Những thực phẩm cần tránh trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân máu khó đông
Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và đường
Bệnh nhân máu khó đông nên hạn chế ăn những thực phẩm sữa nguyên béo, nước ngọt, bánh ngọt, đồ ăn vặt béo, ngọt. Bên cạnh đó, cũng nên hạn chế đồ chiên và ưu tiên thức ăn luộc.
Vitamin E và dầu cá
Bệnh nhân không nên sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin E hoặc dầu cá vì một số chất bổ sung có thể làm chảy máu nặng hơn. Nếu muốn sử dụng thì hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước.
Gừng, tỏi
Gừng, tỏi cũng là một trong số những thực phẩm mà bệnh nhân máu khó đông cần tránh. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ đồng thời tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng để tránh các biến chứng.
Nguồn : bau.vn
Tags: chế độ dinh dưỡng