9X Hà Nội biến gỗ vụn thành đồ chơi cho trẻ em

Sử dụng các mảnh gỗ vụn tưởng chừng như sẽ trở thành thứ bị bỏ đi, qua bàn tay của chị Nguyễn Thị Hảo (sinh năm 1992) đã biến thành những món đồ chơi vừa an toàn lại vừa kích thích phát triển tư duy cho trẻ.

Những sản phẩm gỗ đầu tiên

Từ khi vẫn còn là cô sinh viên năm thứ 4 Đại học Kiến trúc, chị Hảo đã bắt đầu tập tành làm đồ gỗ. Tuy nhiên “công việc sơ khai nhất mà chị liên quan tới nghề mộc” vẫn chưa phải là những món đồ chơi kích thích sáng tạo dành cho trẻ em giống như bây giờ. Chị Hảo chia sẻ: “. Lúc đấy chị cùng vài người bạn nữa góp tiền, mỗi người chỉ có 2- 300 nghìn để mua mấy cái máy cầm tay và gỗ pallet (loại gỗ dùng để bao bọc bên ngoài những xe gỗ container và sau khi vận chuyển xong người ta sẽ vứt đi). Mấy đứa phải tìm đến những nguồn gỗ đấy để mua cho rẻ, có 10 nghìn một thanh thôi”. Tận dụng những thanh gỗ ấy, chị và các bạn đóng thành chậu trồng cây và thiết kế sân vườn cho trẻ em mầm non học trồng cây.

Nhưng chỉ một năm sau đó, chị ra trường rồi đi làm, công việc bận rộn nên nghề mộc này dường như bị rơi vào quên lãng.

Đam mê làm đồ chơi sáng tạo bằng gỗ cho con

Lần nữa quay trở lại với đam mê đồ mộc là khi chị mang thai. Luôn không an tâm khi để con chơi những đồ chơi không có xuất xứ rõ ràng được bán tràn lan ngoài thị trường. Chị mong con sẽ được thỏa sức sáng tạo, cùng một bộ trò chơi nhưng con có thể chơi theo cách này hay cách khác để kích thích sự phát triển của não bộ. Đồng thời cũng phải an toàn và lồng ghép được các phương pháp giáo dục trong đồ chơi.

Khó có loại đồ chơi nào mà đáp ứng được toàn bộ những điều chị mong muốn, vì thế trong thời gian nghỉ dưỡng thai, chị bắt tay vào làm đồ chơi cho bé. Đồ chơi làm ra rất đa dạng: từ xe cút kít, bộ thú lắp ghép cho tới xe đẩy gỗ,… làm nhiều tới nỗi “chỉ đợi mỗi bé chào đời là có thể bắt đầu chơi luôn thôi”.

Lúc mới đầu, vì chỉ làm đồ chơi cho bé nhà chị chơi thôi nên tất cả sẽ được làm dựa theo độ tuổi và sở thích của bé. Mỗi lần làm xong, đăng lên mạng xã hội đều sẽ có rất nhiều người đặt làm. Khi ấy chị Hảo vẫn coi đó chỉ là một sở thích, một niềm đam mê cá nhân chứ chưa có ý định kinh doanh. Cho đến tận khi dịch Covid 19 bùng phát, được nghỉ dịch một thời gian dài, nhiều người đứng trước nguy cơ mất việc chị mới bắt đầu nghĩ tới việc sẽ làm một cái gì đó liên quan tới nghề mộc. “Lúc mới bắt đầu khởi nghiệp, làm việc với máy xẻ gỗ thì cũng sợ lắm, vì ai làm mộc cũng ‘đi’ một hai ngón tay là chuyện bình thường”- chị Hảo kể.

Động lực nhỏ

Chị Hảo chia sẻ, một động lực nho nhỏ khiến chị bắt đầu làm đồ chơi cho con bắt nguồn từ một chuyến đi tình nguyện xây trường cho trẻ em vùng cao ở Hà Giang. Trong suốt 1 tháng ở đấy, chị nhận ra rằng đồ chơi trong mắt trẻ con rất là đơn giản. Đôi khi chỉ cần dùng những mẫu gỗ, những khúc cắt thừa cùng với những nét vẽ nguệch ngoạc để làm thành hình ô tô hoặc hình siêu nhân nhưng lại có thể vui chơi cả ngày. Chị nhận ra mặc dù trẻ em thành phố có các món đồ chơi rất tinh xảo và hiện đại chỉ chơi một hai lần là đã chán, còn ở đây, tuy chỉ chơi những đồ chơi rất giản dị nhưng các em rất hạnh phúc, chơi từ ngày này sang ngày khác mà vẫn thấy vui. Kỷ niệm ấy trở thành động  lực để chị bắt tay làm đồ chơi gần gũi, đơn giản nhưng lại thu hút được trẻ con và mang đến cho chúng sự độc đáo riêng.

Chuyến đi tình nguyện mang đến động lực biến gỗ vụn thành đồ chơi cho trẻ em

Phát triển từ duy từ dạy con làm đồ gỗ

Mỗi khi chị xuống xưởng làm đồ chơi hay là chị đứng đóng đinh cắt gỗ, bé nhà chị luôn tỏ ra thích thú nên chị đã dạy cho bé vài thao tác cơ bản. Theo như chị Hảo nói “Bé đã 4 tuổi rồi nên có thể học đóng đinh và xoay ốc vít, vẽ bằng bút chì và đóng đinh theo đường nét vẽ”.

 

Thao tác tưởng chừng như đơn giản là thế nhưng cũng có thể giúp bé thúc đẩy phát triển về tư duy logic và tính tỉ mỉ. Ví dụ một như kỹ thuật rất đơn giản là đóng đinh thôi thì bé cũng học được về trọng lượng và lực cân bằng mà mình cần sử dụng để đóng một cái đinh vững chắc. Từ đó có thể hình thành những cái phát triển tư duy lớn hơn về sau.

Cảm hứng sáng tạo đến từ phim hoạt hình

Chia sẻ về cảm hứng sáng tạo, chị Hảo kể: “Thực ra, đây cũng là việc rất là tình cờ thôi. Có một khoảng thời gian 2-3 năm liền, ngày nào chị cũng dành thời gian xem phim hoạt hình để có chuyện kể cho con nghe trước khi đi ngủ. Vì xem quá nhiều nên chị tìm hiểu được một vài điều giúp chị áp dụng trong việc làm đồ chơi ở thời điểm hiện tại.

Ví dụ như chị có thể bắt được cái hồn của sản phẩm, các đường nét của từng nhân vật như thế nào, các biểu cảm của nhân vật trong từng trường hợp ra sao và thậm chí là cách phối màu sản phẩm để thu hút được trẻ em: không quá rực rỡ, màu sắc hài hòa nhưng vẫn rất bắt mắt.

Lan tỏa niềm đam mê làm đồ chơi gỗ

Từ khi các sản phẩm đồ chơi bằng gỗ ngày càng được mọi người biết đến và ủng hộ, “nhiều phụ huynh và các trường mầm non nhắn hỏi chị có mở workshop hay lớp học không để cho các bé đến trải nghiệm”. Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu đến nay, cứ hết đợt dịch này tới đợt dịch khác liên tiếp, không thể tập trung đông người khiến mong muốn lan tỏa niềm đam mê của chị vẫn mãi chưa thể thực hiện.

Chị Hảo chia sẻ “Tuy chưa thể tự mở lớp riêng của bản thân nhưng thỉnh thoảng chị vẫn đến tham dự các buổi từ thiện do trường tổ chức. Chị đến trường chị hướng dẫn các bé tô vẽ các con vật rồi bán tại hội chợ. Kết thúc hội chợ ấy, chị sẽ trích lại phần trăm để cho vào quỹ giáo dục của trường.”

Hy vọng trong thời gian tới, chị Hảo sẽ có thể mở workshop để cho các bậc phụ huynh và các bé có thể cùng đến trải nghiệm tự tay làm ra những món đồ chơi sáng tạo mang những dấu ấn riêng.

Nguồn : Sức khỏe 24h