Cô gái xinh đẹp tiết lộ cách làm mạch nha nếp đỉnh của đỉnh vì quá ngon

Mạch nha nếp thường được sử dụng để thay thể đường trong việc làm bánh kẹo, nấu chè, chế biến các món ăn hoặc thức uống. Cách làm được chị Linh Kandy chia sẻ, tuy có chút cầu kỳ nhưng sẽ không khó nếu bạn thật sự yêu thích món ăn này.

Cô gái xinh đẹp Linh Kandy ở TP. HCM đã từng chia sẻ 50 công thức làm quà bánh quê dân gian truyền thống. Trong đó có món mạch nha nếp, chị Linh cho biết: “Chạ Pi muốn làm kẹo dừa Bến Tre, kẹo gương Quảng Ngãi. Trong thành phần nguyên liệu của 2 món kẹo này lại có mạch nha. Mùa này thì chịu, kiếm đâu ra mạch nha mà mua chứ. Thôi tự làm. Cũng may nhà lại có nguyên liệu để làm ra nguyên liệu. Đầu tiên là lên sân thượng trộm một nắm thóc (thức ăn của con gà mái đẻ) để trồng lúa. Mạch nha được làm ra từ nếp và mầm lúa. Đoạn sau thì mọi người đọc cách làm nha“.

Ngưỡng mộ với nhan sắc và tài năng của cô gái 9X Linh Kandy

Nguyên liệu:

– 100g thóc
– 500g nếp

Cách làm mạch nha nếp:

Bước 1. Ngày 1 (ngâm hạt): Rửa sạch, vớt hạt lép nổi trên mặt nước, ngâm thóc với nước (gấp 3 lần thóc) trong 24h. Mỗi 6h rửa nhớt, thay nước mới cho thóc 1 lần (tổng rửa 3 lần).

Bước 2. Ngày 2 (ủ hạt): Sau 24h, rải thóc ra một cái rổ, đặt rổ trong thau, lấy khăn tối màu đậy lại, ủ thóc 1 ngày.

Bước 3. Ngày 3 (ủ hạt): Sau 1 ngày, nhúng rổ vào nước tầm 1p/tưới nước để cấp ẩm cho thóc, nhấc rổ lên cho ráo, để vào thau, đậy khăn tối, ủ tiếp 1 ngày nữa. Sau 2 ngày ủ, hạt thóc bắt đầu nảy mầm.

Bước 4. Ngày 4 – ngày 9 (ủ mầm): mang thóc đã nảy mầm, dàn đều ra khay nhựa có thành cao. Phủ khăn tối để mầm thóc tiếp tục phát triển trong 5-6 ngày. Mỗi ngày vẩy nước/hoặc dùng bình phun nước đều mặt thóc sáng 1 lần, tối 1 lần. Đến khi mầm thóc cao 5-7cm, có màu vàng (tránh ánh sáng thì mầm có màu vàng, nếu để lọt sáng vào sẽ thàng màu xanh, làm mạch nha dùng mầm vàng nhé). Không vẩy quá nhiều nước, nếu nghiêng khay kiểm tra, thấy nước còn đọng trong khay thì không tưới thêm.

Bước 5. Đem mầm xé tơi nhỏ, dàn đều mâm, đem phơi nắng cho khô trong 2-3 ngày.

Bước 6. Lấy 50g mầm thóc khô, giã nhỏ.

Bước 7. Vo sạch và nấu 500g nếp với 0.5 lít nước. Cơm chín, cho sang nồi sạch để ủ, không lấy phần cơm cháy.

Bước 8. Cho vào nồi thêm 0.5 lít nước sôi, chia làm 2 lần, trộn đều.

Bước 9. Cho mầm thóc giã nhỏ, trộn đều, dàn phẳng mặt nếp. Đem ủ trong chăn kín/nồi ủ/thùng xốp/nồi cơm điện trong 13-15h. Nhiệt độ ủ trung bình là 60 độ.

Bước 10. Sau khi ủ, lấy từng phần hỗn hợp vắt trong khăn sạch để lấy nước.

Bước 11. Lược nước qua rây lỗ nhỏ mịn để giữ lại tạp chất.

Bước 12. Cho nước lên bếp đun sôi, nước sôi thì hạ lửa vừa. Vớt bọt liên tục. Đun khoảng 1h, thấy hơi nước không còn bốc lên, khuấy nhẹ thấy hỗn hợp bắt đầu sánh dẻo. Tiếp tục đun lửa nhỏ, thêm khoảng 1h nữa để mạch nha đạt được độ sánh dẻo mong muốn.

Bước 13. Dùng chén nước và nhỏ giọt vào đề thử mạch nha, nếu giọt mạch nha đọng lại, không tan ra thì đã đạt, không cần đun thêm.

Bước 14. Để nguội, bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng được lâu hơn.

Lưu ý:

Chị Linh Kandy cho biết đã thử công thức ủ với mầm lúa tươi (không phơi khô) và ủ trong 6h thì lượng nước ra rất ít khoảng 10%, phải ủ thêm 15h mới thu được 90% lượng nước còn lại. Sau khi cô đặc thì vị mạch nha rất nhạt, kém ngọt và cũng ít thơm hơn dùng mầm lúa phơi khô kỹ. Công thức dùng mầm lúa phơi khô cho ra hương và vị rất giống với mạch nha nếp đặc sản Quảng Ngãi trong lon thiếc hay mua.

Bên cạnh đó, nấu mạch nha cần kiên nhẫn, để mạch nha trong thì cần nấu lửa nhỏ, khuấy đều tay liên tục để nước không quá sôi tạo nhiều bọt làm đục mạch nha. Khi vắt nước từ hỗn hợp sau khi ủ cũng không nên vắt mạnh tay để lấy nước trong. Để tránh lãng phí thì phần nước vắt kiệt nên tách riêng, đun sôi nhanh, không cô đặc và dùng làm thức uống thơm ngon, bổ dưỡng. Làm mạch nha rất thú vị, nếu có thóc, nếp và thời gian thì rất nên thử.

Và dưới đây chính là thành quả tuyệt vời:

Cảm ơn chị Linh Kandy đã chia sẻ công thức, rất kỳ công nhưng nhìn thành quả là lại đủ thấy vui và mãn nguyện. Chúc các bạn sẽ thực hiện thành công.

 

Nguồn : bau.vn