Cô giáo 9X người H’Mông dạy ở điểm trường xa nhất của huyện vùng cao biên giới.

Tốt nghiệp Cao đẳng loại giỏi, thay vì ở lại Thành phố để công tác, Giàng Thị Mỷ (1995) chọn gắn bó với các em học sinh mầm non người H’Mông ở điểm trường xa nhất của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Khi vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Cộng Đồng Lai Châu,Giàng Thị Mỷ nỗ lực thi đỗ viên chức và may mắn được về đúng quê hương giảng dạy tại trường Mầm non Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Học sư phạm và trở thành cô giáo không phải là niềm đam mê ngay từ đầu của Mỷ. Thế nhưng, sau khi vào nghề, cô giáo vùng cao người H’Mông cảm thấy yêu các bạn nhỏ nơi đây, quan trọng hơn là muốn giúp đỡ quê hương, đồng bào.

Đam mê giúp vượt qua khó khăn

4 năm trong nghề cũng là từng ấy thời gian cô giáo Mỷ gắn bó với trẻ em vùng cao biên giới. Năm nay, cô giáo vùng cao xung phong vào điểm trường ở bản Hoàng Trù Văn cách trung tâm xã hơn 20km. Được biết, Hoàng Trù Văn là điểm bản xa, khó khăn nhất của xã và gần như của huyện, mọi điều kiện vật chất ở đây còn rất thiếu thốn.

Vì là điểm bản quá xa nên hiện tại ở nơi đây vẫn chưa có điện, không có sóng điện thoại cũng như không có mạng. Bà con ở rải rác nên học sinh phải đi bộ 3-4km mới đến trường học được. Đường xá đi lại ở đây vô cùng xấu, vào mùa mưa, cô Mỷ phải đi bộ vào bản để dạy học và cắm bản trong Hoàng Trù Văn 1 tuần mới về 1 lần.

co giao vung cao

Do ở vị trí xa nên cô Mỷ và các em học sinh phải tự trồng rau để cải thiện bữa ăn.

Cuộc sống ở trong bản làng xa khiến cô trò phải “tự sản tự tiêu” để có thức ăn đầy đủ dinh dưỡng cho học sinh. Ngoài dạy học, cô Mỷ cũng là người nấu bữa cơm trưa cho các em nhỏ tại trường. Trong thời gian khó khăn của dịch bệnh, cô Mỷ cũng là người kêu gọi, xin sự giúp đỡ về vật chất như quần áo, thực phẩm cho các bé nên bữa ăn được cải thiện khá nhiều.

Ngoài việc khó khăn về vật chất, cô giáo vùng cao chia sẻ thêm: “Ở đây đa số là đồng bào dân tộc H’Mông, nhiều phụ huynh chưa coi trọng việc cho con cái đi học nên chúng tôi thường phải đến từng nhà, lên tận rẫy để động viên cho các em được đi học. Hoặc có những hôm bố mẹ các em bận đi lên nương làm, mình lội suối đến tận nhà đón các bé đến trường. Mọi người thấy vất vả, nhưng để các em được đến trường là niềm vui của chúng mình”.

Tình yêu vô bờ với quê hương những đứa trẻ vùng cao

Hiện tại, một mình cô giáo chăm sóc cho 17 em bé học mầm non. Bên cạnh vai trò là một cô giáo, cô Giàng Thị Mỷ được coi như người mẹ thứ hai của các em khi chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ. Có những bé đến lớp chưa được sạch sẽ, cô Mỷ tận tình tắm gội, giặt giũ quần áo cho các em. Vừa làm cô, vừa làm mẹ là điều không dễ dàng, phải là người giàu tình cảm và nghị lực mới có thể làm nên điều “phi thường” như cô Mỷ.

co giao vung cao

Nơi học tập cũng như vui chơi của các em nhỏ

Khi được hỏi kỷ niệm mới nhất lúc mới vào đây công tác, cô Giàng Thị Mỷ tâm sự vui: “Mình là 1 người rất nhát gan, rất sợ chuyện ma quỷ nên không dám ngủ một mình, mới đầu phải qua nhà dân ngủ nhờ; rồi cả những buổi tối không biết làm gì thì mình ngồi nhổ tóc, 1 tháng đầu một bên tóc của mình gần như đi 1 nửa; những lần mình đi gọi học sinh đi học ngã lên ngã xuống, đi từ trong bản ra mà gặp mưa là cũng tan tành cả 1 đôi dép”.

Đó là những chia sẻ vui của cô Mỷ nhưng là cả một quá trình khó khăn để trải qua. Để đưa được con chữ đến với những đứa trẻ ở đây không phải là điều dễ dàng, mà rất cần tình yêu thương, sự kiên trì và dũng cảm để tiếp tục.

Khó khăn, vất vả chồng chất như ngọn núi bao quanh điểm bản Hoàng Trù Văn, nhưng cô Mỷ vẫn luôn vui tươi, lạc quan với trái tim ấm nóng tình yêu dành cho các em nhỏ nơi đây. Hình ảnh những đôi chân trần mùa đông buốt giá, những bát cơm chỉ có muối và cá khô nhưng các em vẫn hồn nhiên, chăm chỉ học tập là ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh để cô Mỷ gắn bó với nghề.

Nguồn : Sức khỏe 24h