Cuộc sống trong những căn “nhà khổ” giữa lòng Thủ đô Hà Nội

Trái ngược với cảnh phồn hoa của Hà Nội, khó có thể tin giữa lòng thủ đô có những căn nhà “siêu nhỏ”, “siêu mỏng” hoặc những căn nhà “nhảy dù” sống trên nóc nhà vệ sinh.

Cuộc sống hơn 40 năm của cặp vợ chồng sống trên nóc nhà vệ sinh

Ở phố cổ không biết bao nhiêu căn nhà, ngõ nhỏ cùng chung một ngõ nhỏ. Những con ngõ trở thành địa đạo trên mặt đất với những đường cắt ngang xẻ dọc. Người dân phố cổ đã quá quen thuộc với hình ảnh nhà chồng nhà, xếp lên nhau để sống.

Con ngõ hẹp 107 Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sâu hun hút là con đường dẫn vào căn “nhà dù” của gia đình ông Nguyễn Phùng Hải. Gọi là nhà nhưng thực chất đây chỉ là những mảnh tôn đã han rỉ ghép lại với nhau dựng trên nóc nhà vệ sinh tập thể. Tuy diện tích chỉ khoảng 10m2 nhưng đây là nơi sinh sống của gia đình 2 thế hệ, 4 thành viên.

nha kho o pho co

 

 

Chia sẻ về căn nhà kỳ lạ của mình, ông Hải cho biết: “Ngày trước ngõ này chỉ có một mình nhà tôi sống gồm 8 anh em. Về sau, bố mẹ tôi chia nhỏ đất cho các thành viên trong gia đình. Lúc đó, tôi chưa lập thì ở với anh chị, sau ai cũng có gia đình riêng nên tôi tận dụng khoảng không trên nóc nhà vệ sinh chung để ở”.

Chiếc cầu thang dẫn lên căn nhà của ông Hải phủ một lớp rêu trơn trượt vào những ngày mưa. Căn nhà của ông Hải thu gọn vừa đúng một ánh nhìn, nó ẩm thấp, tối tăm, chúng tôi có thể ngửi cả thấy mùi mốc, mùi xú uế bốc lên nồng nặc.

nha kho o pho co

Từng đồ vật trong nhà đều có dấu vết của thời gian đi qua, bức tường đã bong tróc, loang lổ vết sơn, nền nhà cũ mèm. Vật dụng trong gia đình không có gì giá trị ngoài cái ti vi nhỏ và chiếc tủ lạnh.

Vách nhà là những tấm tôn, quây tạm bợ, chắp vá, lâu ngày hoen gỉ, tạo thành những lỗ thủng nhỏ. Bên trong nhà tăm tối và xập xệ, tường bong tróc từng mảng, chất đầy đồ đạc.

“Túp lều” nằm chênh vênh trên nóc nhà vệ sinh nên vào những ngày mưa gia đình ông Hải nơm nớp lo sợ gió to, còn trong nhà lúc nào cũng dột, ẩm ướt. Ông Hải tâm sự: “Nhiều đêm đang ngủ, mưa dột vào nhà như ngoài trời ướt hết chăn chiếu, đồ đạc. Còn những ngày nắng nóng, ai vào nhà tôi phải vừa đi vừa bịt mũi”.

nha kho o pho co

Gia đình ông Hải thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay, mãi đến vài năm gần đây con cái đi làm mới có thu nhập. Ngoài ra, đây là gia đình duy nhất trong gần 1000 hộ dân trong tổ phải sinh sống trên nóc nhà vệ sinh.

Dù là nhà “nhảy dù” nhưng ông Hải không lo bị ai kiện. “Có ai kiện cái người ở trên nóc chuồng xí không?”, nói rồi ông cười ha hả.

Ngôi nhà 9m2 là nơi ở của gia đình 7 thành viên

Cùng tọa lạc trên con phố Hàng Bạc, gia đình ông Nguyễn Đình Hải (63 tuổi) cũng sống trong tình trạng “đất chật người đông”. Căn nhà 9m2 của gia đình ông vừa là nơi sinh sống của 7 thành viên và là lối đi chung của 6 hộ gia đình còn lại.

nha kho o pho co

 

Ngôi nhà được truyền từ đời cha ông và chia nhỏ cho các anh em trong gia đình. Nhưng do thiết kế là dạng nhà ống với diện tích khoảng 60m2 nhưng có tới 30 người ở.

 

Mỗi hộ gia đình ở đây chỉ vỏn vẹn khoảng 10m2, riêng gia đình ông Hải ở mặt tiền nên trở thành lối đi chung cho các hộ gia đình. Do vậy, mọi đồ đạc trong nhà đều phải sắp xếp gọn gàng và tối giản nhất có thể.

Vì là lối đi chung nên mọi hoạt động của gia đình ông Hải hầu như đều công khai. Ông Hải chia sẻ: “Nhà tôi ở ngoài nên hầu như bao giờ mọi người dậy là tôi cũng dậy, nhiều khi muốn ngủ thêm chút cũng không được”.

 

Tận dụng khoảng trống hiếm hoi trước cửa, ông Hải đặt chiếc bếp nhỏ để nấu ăn. Ông Hải tâm sự: “Sống ở đây nấu ăn cũng phải nhanh nhanh chóng chóng để cất bếp vào gầm giường cho có chỗ mọi người đi lại”.

 

Theo lời ông Hải, ở đây ngày nắng thì hơi nóng hầm hập vào nhà, còn những ngày mưa thì ẩm thấp do nhiều người đi lại. Có những hôm mưa lớn, nước cống đùn lên, ngập đến mắc cá chân.

Toàn khu nhà có đến hơn 30 người, nhưng chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh để sử dụng chung. Tình trạng “xếp hàng” để tắm giặt hay vệ sinh cá nhân là chuyện thường xuyên xảy ra.

Tuy sống trong cảnh “đi đâu cũng đụng người” bất tiện là thế, nhưng gia đình ông Hải chưa có ý định chuyển đi. Bởi nguồn thu nhập của gia đình trông chờ vào việc buôn bán lặt vặt. Hơn nữa, đây là ngôi nhà do cha ông để lại cho con cháu nên một hộ muốn bán cũng khó.

Những phận người đang “nương trú” trong chính căn nhà của mình đang dần cảm thấy mệt mỏi và mong muốn một chính sách hợp lý từ nhà nước.

Nguồn : bau.vn