Độ tuổi thích hợp cho bé đi nhà trẻ là khi nào?

Nhiều phụ huynh vẫn thắc mắc về độ tuổi thích hợp cho bé đi nhà trẻ. Mặc dù vậy, không có công thức chung nào cho tất cả các bé trong việc bắt đầu đi học mẫu giáo.

Độ tuổi thích hợp cho bé đi nhà trẻ là khi nào? - ảnh 1

Nhiều phụ huynh băn khoăn khi cho con đi học sớm có tốt cho con hay không?

Sau khi sinh xong, các bà mẹ sẽ được nghỉ 6 tháng trước khi quay lại làm việc. Con còn quá bé nên nếu không có người chăm sóc thì cả cha và mẹ đều sẽ không thể yên tâm đi làm. Nhiều phụ huynh vì thế mà phải nghĩ tới việc cho bé đi học mẫu giáo sớm dù vẫn còn băn khoăn điều này có ảnh hưởng xấu đến bé hay không. Tuy nhiên, nếu gửi bé đến trường trễ thì các phụ huynh lại lo lắng cho sự phát triển của não bộ.

Câu hỏi độ tuổi thích hợp cho bé đi nhà trẻ vì vậy mà khiến nhiều phụ huynh đau đầu, trăn trở. Theo các chuyên gia tâm lý, chưa có một nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra độ tuổi phù hợp để trẻ đến trường. Cha mẹ cần xác định tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình, khả năng nhận biết và hòa nhập của trẻ.

Lợi ích của việc cho bé đi học sớm

Một nghiên cứu do Đại học Oxford (Anh) thực hiện đã chỉ ra những bé ở nhà với mẹ có kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng hoạt động kém hơn những bé đi nhà trẻ. Tiến sĩ Laurence Roope tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Y tế của Đại học Oxford cho rằng chính các hoạt động tương tác trên lớp học đã tạo nên sự khác biệt này.

10 – 18 tháng tuổi chính là giai đoạn vàng để trẻ phát triển tính cách và khả năng giao tiếp xã hội. Do đó, việc cho trẻ đi học sớm sẽ có một số tác động tích cực đến bé. Khi dạy dỗ bé ở nhà, đôi khi cha mẹ sẽ có những lúc khó chịu, căng thẳng hay mệt mỏi và dễ gây ảnh hưởng đến con.

 

Độ tuổi thích hợp cho bé đi nhà trẻ là khi nào? - ảnh 2

Ở lớp có nhiều bạn cùng tuổi, trẻ sẽ học được cách giao tiếp và hòa nhập xã hội

Tùy vào tâm sinh lý của mỗi bé mà độ tuổi thích hợp cho bé đi nhà trẻ cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, phụ huynh nên cân nhắc những yếu tố sau trước khi quyết định gửi bé đến trường:

  • Khung xương của con đã cứng cáp, ít nhất có thể bò và ngồi được.
  • Bé biết tương tác với người khác, không nhất thiết phải nói rành rọt nhưng có phản ứng đáp lại mỗi khi mẹ nói chuyện hay trêu bé.
  • Bé có thể nhai hoặc tự ăn.
  • Bé có thể đi vệ sinh hoặc ra dấu cho mẹ biết khi con muốn đi vệ sinh.
  • Bé ít bám mẹ và không sợ người lạ

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng