Thêu cờ – “giữ hồn” cho lá cờ Tổ Quốc
Vàng son một thuở, làng Từ Vân từng có hợp tác xã mang tên Cờ Đỏ, người người nhà nhà nhộn nhịp may cờ. Thế nhưng, khi kinh tế gặp khó khăn, hợp tác xã bị giải thể, nghề thêu cờ cũng vì thế mà liêu xiêu. Dù tâm huyết và tiếc nuối nhưng người làng cũng đành xa nghề.
Mừng thay, trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của thời gian, làng Từ Vân vẫn còn lại những bàn tay ngày đêm miệt mài bên những tấm vải đỏ, cần mẫn thêu nên những cánh sao vàng giữ hồn cho tổ quốc.
Một trong những “bàn tay se chỉ vàng” là chị Vương Thị Nhung (46 tuổi) đã có “vốn liếng” hơn 30 trong nghề. Máy móc kỹ thuật đã phát triển, các hộ dân còn giữ nghề trong làng hầu hết đều chuyển sang may dệt cờ, duy chỉ còn nhà chị Nhung vẫn tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ thêu nên những lá cờ đỏ sao vàng.
Trò chuyện trong tiếng những mũi thêu nhịp nhàng, chị Nhung chia sẻ “Ngày trước bố tôi làm nghề này rồi truyền lại cho tôi. Tôi đã học nghề từ năm chưa đầy 10 tuổi, đến khi đi lấy chồng cũng mang nghề đi theo”. Được biết bố chị Nhung là một trong những người đầu tiên đem nghề làm cờ về làng Từ Vân.
Những ngày gần đây, để chuẩn bị cho dịp lễ kỉ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, nhà chị Nhung lúc nào cũng tấp nập từ 5h sáng cho đến 11,12h đêm cũng có khi là mãi đến 2h sáng hôm sau. Các đơn hàng từ khắp trên mọi miền tổ quốc được gửi về với đủ các kích thước khác nhau.
Những dịp như thế, gia đình chị Nhung phải thuê thêm gần 50 thợ. Khung cảnh lúc nào cũng nhộn nhịp, người già, trẻ nhỏ ríu rít với những cánh sao vàng rực rỡ khiến cho lòng tự hào dân tộc trỗi dậy hơn bao giờ hết.
Ông Tạ Văn Thiết (72 tuổi) một trong những người thợ thêu của nhà chị Nhung khiến nhiều người bất ngờ bởi dù đã phải đeo kính lão nhưng bàn tay khéo léo của ông vẫn thoăn thoắt từng mũi kim.
Ông kể, ông sinh ra trong gia đình có truyền thống thêu cờ, sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông trở về kế tục nghề như một cái duyên. “Tuy tuổi đã cao, mắt đã kém nhưng tôi vẫn làm. Cái nghề này tuy giản dị nhưng thiêng liêng lắm” ông tự hào kể.
Kế thừa và tiếp nối
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nhung cho hay để làm ra một lá cờ không khó nhưng mất rất nhiều thời gian và cần sự tỉ mỉ, khéo léo qua nhiều công đoạn. Chỉ một đường cắt lệch là cả lá cờ phải bỏ đi, một mũi kim sai cũng làm hỏng cả một ngôi sao. Kỳ công là vậy nhưng thu nhập lại không cao nhưng gia đình chị Nhung vẫn quyết tâm “sống chết” với nghề. Với chị, việc tiếp tục duy trì vừa là trách nhiệm gìn giữ nghề truyền thống của cha ông vừa như một niềm tự hào dân tộc.
Ngoài những người thợ đã lớn tuổi như ông Thiết và chị Nhung, những cô bé chỉ mới 13,14 tuổi cũng đang hăng say với những sợi chỉ vàng. Họ là những thề hệ sẽ tiếp tục “giữ hồn” cho lá cờ Tổ Quốc.
Điển hình là em Nguyễn Thu Hường mới 14 tuổi nhưng đã có hơn 3 năm làm nghề. Bàn tay nhỏ bé được em đưa rất nhịp nhàng. Học nghề thêu từ khi mới 11 tuổi, Hường tỏ ra thích thú khi nói với chúng tôi rằng sau này lớn lên sẽ tiếp tục theo nghề.
Cả hai người con lớn nhà chị Nhung đều theo cha mẹ kế nghiệp của gia đình. Từ khi sinh ra, hình ảnh quen thuộc của những lá cờ đỏ sao vàng đã như in trong tâm trí họ. Đó cũng là lý do họ muốn nối tiếp cha mẹ giữ gìn cái nghề “thêu hồn” cho Tổ Quốc này.
Có những nghề thật bình thường giản dị song lại rất đỗi tự hào và thiêng liêng. Đơn giản bởi vì nó chứa đựng hồn thiêng dân tộc. Hơn bảy thập kỷ đã qua đi, những người như chú Thiết, chị Nhung và cả những người thợ làm nghề vẫn tiếp tục miệt mài biến những tấm vải đỏ, vàng thành lá cờ đỏ sao vàng mang đi khắp mọi miền Tổ Quốc.
Nguồn : Sức khỏe 24h
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/nhung-ban-tay-theu-nen-hon-to-quoc-a198216.html