Mê mẩn món bánh truyền thống Nhật Bản Wagashi qua bàn tay cô gái Việt

Đối với dòng bánh truyền thống Nhật Bản Wagashi chị thực sự rất yêu thích không chỉ vì sự xinh đẹp của nó mà còn yêu thích vì cách người Nhật gửi gắm thông điệp hay quảng bá văn hóa qua từng loại bánh. Có thể nói bánh truyền thống Nhật Bản Wagashi đã trở thành một phần cuộc sống của chị.

Chị Hoàng Thị Thu Trang (36 tuổi) đang sinh sống tại Quận 10, TP Hồ Chí Minh hiện là cô giáo dạy làm bánh truyền thống Nhật Bản, hay còn có tên gọi khác là bánh Wagashi. Trước đây là một nhân viên văn phòng hơn 10 năm với công việc thiết kế website, thế nhưng cô gái xinh đẹp ấy lại bỏ ngang để bén duyên cùng những chiếc bánh Nhật Wagashi xinh xắn và ý nghĩa.

Banh truyen thong Nhat Ban Wagashi

Wagashi là tên gọi chung của bánh truyền thống Nhật Bản , dùng để phân biệt với bánh kẹo phương Tây Yogashi. Từ những nguyên liệu tươi ngon tự nhiên, vận dụng các kỹ thuật làm bánh truyền thống, chị Trang luôn tha thiết truyền tải cảm xúc, phô diễn sức sáng tạo và tô điểm cho Wagashi, biến chúng thành những đoá hoa muôn hương ngàn sắc để giới thiệu ẩm thực Nhật Bản đến với Việt Nam.

Muốn cảm thụ bánh truyền thống Nhật Bản Wagashi, phải thưởng thức bằng cả 5 giác quan: nghe tên gọi bằng tai, nhìn bằng mắt, chạm bằng tay, ngửi bằng mũi, và nếm bằng miệng. Dường như cả tinh thần của Xứ sở Phù Tang đều ẩn chứa trong Wagashi.

Banh truyen thong Nhat Ban Wagashi

Chị Trang chia sẻ, chị biết tới bánh truyền thống Nhật Bản Wagashi qua bộ phim “Cô thợ bánh Asuka” chiếu vào những năm 2000. Thời điểm đó chị rất thích những chiếc bánh truyền thống Nhật Bản ấy, thế nhưng ở Việt Nam lại không có trường lớp nào dạy bài bản về bánh Nhật truyền thống cả.

Mãi đến năm 2017, khi đang mang bầu bé thứ 2 chị quyết định nghỉ công việc văn phòng đã làm 10 năm để dành toàn thời gian chăm sóc cho em bé. Từ đây chị vô tình bắt gặp được một người dạy làm bánh Nhật tại Sài Gòn, và cũng từ đó chị Trang bén duyên cùng với những chiếc bánh Wagashi xinh đẹp.

Món bánh lần đầu tiên khi chị Trang bắt tay vào làm bánh ngọt truyền thống của Nhật Bản là bánh Nerikiri. Chị Thu Trang chia sẻ với Bầu rằng: “Trước đây chị cũng đã từng học làm khá nhiều loại bánh nhưng chị cảm thấy không có hứng thú. Thế nhưng đối với dòng bánh truyền thống Nhật Bản chị thực sự rất yêu thích không chỉ vì sự xinh đẹp của nó mà còn yêu thích vì cách người Nhật gửi gắm thông điệp hay quảng bá văn hóa qua từng loại bánh. Có thể nói bánh Nhật Bản truyền thống đã trở thành một phần cuộc sống của chị. Nó dạy chị cách sống chậm lại, cảm thụ, lắng nghe và quan sát xung quanh. Vì bản thân bánh cần khá nhiều sự tỉ mỉ và kiên nhẫn trong mỗi công đoạn, nên khi làm bánh chị cảm thấy giống như mình đang ngồi thiền vậy”.

Banh truyen thong Nhat Ban Wagashi

Để làm ra được chiếc bánh truyền thống Nhật Bản Wagashi thành phẩm cần trải qua khá nhiều bước, từ bước sơ chế và làm ra tinh đậu, sau đó sẽ sên mứt đậu từ đậu trắng và đậu đỏ, tiếp theo phải làm hỗn hợp kết dính Guyhi từ bột nếp và sên thành vỏ bánh, sau đó mình sẽ chia bột pha màu, lên khối tạo hình thành phẩm. Bánh truyền thống Nhật Bản Wagashi được làm từ đậu nên có thể ăn chay được vì hoàn toàn không dùng trứng, sữa, dầu ăn. Vỏ là đậu trắng kết hợp với một ít bột nếp làm chất kết dính. Nhân bánh thường là đậu đỏ nhưng ngoài ra còn có vị matcha, hạt dẻ, hoa đào muối, hạt hay hoa quả khô… tùy vào ý thích mỗi người nhưng thường sẽ không có loại béo ngậy như phô mai, kem whipping hay nồng mùi như sầu riêng.

Chị Trang cho biết, công đoạn khó nhất không phải là tạo hình mà là làm ra được bột đạt chất lượng. Có thể ví bột như nền móng của căn nhà, pha màu tạo hình chính là trang trí cho vẻ ngoài của ngôi nhà. Sên xong bột vỏ là đã hoàn thành 70-80% quy trình làm bánh, 20-30% còn lại là tạo khối, tạo hình.

Banh truyen thong Nhat Ban Wagashi

Chia sẻ về những khó khăn trong công việc, chị Trang tâm sự: “Phải nói là chị rất may mắn khi có chồng cũng như mọi người trong gia đình ủng hộ, nhất là chồng chị. Anh là người ủng hộ vợ mọi lúc khi vợ cần, 2 bé nhà chị thì một bé lớn 9 tuổi, bé thứ hai cũng 5 tuổi rồi. Thời gian đầu thì cũng khá khó khăn khi con còn nhỏ, thường ban ngày chị sẽ chăm sóc bé, đến tối thì tranh thủ làm bánh. Nhưng giờ 2 bé cũng đã lớn, ban ngày bé đi học thì chị sẽ làm việc, tối đón con về thì chị dành thời gian chơi với con. Hôm nào có nhiều đơn quá thì chồng chị sẽ chăm con giúp. Nói chung chồng san sẻ mọi điều khiến chị đỡ cơ cực và làm bánh không có cảm giác bức bối, toàn tâm cho việc sáng tạo”.

Nói về những dự định trong tương lai, chị Trang cho biết, hiện tại ngoài nhận các đơn bánh tại nhà thì chị cũng có mở các lớp dạy làm bánh tại nhà và dạy tại trung tâm hướng nghiệp nghề, lâu lâu chị lại mở các workshop theo chủ đề nhỏ dành cho các bạn cùng đam mê bánh Nhật. Bản thân chị hiện đang đi theo hướng truyền cảm hứng. Và nếu trong tương lai có điều kiện chị sẽ mở một phòng trà bánh nhỏ chuyên về bánh truyền thống Nhật Bản Wagashi để làm nơi hội tụ cho mọi người cùng giao lưu văn hóa, ẩm thực truyền thống của Nhật Bản.

 

 

Nguồn : bau.vn