Mẹo chữa tắc tia sữa bằng lá bồ công anh và những sai lầm khi chữa trị

Chữa tắc tia sữa bằng lá bồ công anh khá đơn giản và có thể mang lại hiệu quả chỉ sau 2 – 3 lần sử dụng. Thế nhưng trên thực tế, nhiều mẹ vẫn còn mắc phải một số sai lầm khi thực hiện, khiến cho tắc sữa không những không khỏi mà còn trở nặng hơn.

Mẹo chữa tắc tia sữa bằng lá bồ công anh

Bồ công anh là loại cây mọc hoang ở nhiều vùng lạnh như Sa Pa, Đà Lạt, Tam Đảo của nước ta. Trong dân gian, bồ công anh còn được gọi bằng nhiều tên khác như cây mũi mác, diếp dại, diếp trời.

4 SAI LẦM khi chữa trị tắc tia sữa bằng lá bồ công anh - ảnh 1

Trong Đông y, bồ công anh được coi là một vị thuốc quý. Lá bồ công anh vị ngọt hơi đắng, tính lạnh, công dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm rất tốt. Vì thế, bồ công anh thường được dùng để chữa tắc tia sữa, đinh nhọt, lở loét lâu ngày, ong châm, rắn cắn, viêm bàng quang, tiêu hóa kém.

Trong đó, bài thuốc chữa tắc tia sữa bằng lá bồ công anh được thực hiện khá đơn giản:

– Bước 1: Chuẩn bị 30g lá bồ công anh tươi, rửa sạch, để ráo nước.

– Bước 2: Xé nhỏ lá bồ công anh, thêm vài hạt muối, giã nát rồi vắt lấy nước uống.

– Bước 3: Bã lá bồ công anh còn lại mang đắp lên chỗ ngực đang bị tắc tia sữa 1 giờ, có thể cố định lại bằng gạc. Sau đó tháo bỏ, vệ sinh lại ngực bằng nước ấm.

Thông thường nếu như đáp ứng tốt, trị tắc tia sữa bằng bồ công anh có thể cho hiệu quả sau 2 – 3 lần dùng.

Những sai lầm thường gặp khi chữa tắc tia sữa bằng lá bồ công anh

Tắc tia sữa uống bồ công anh là một cách làm quen thuộc của các bà, các mẹ khi thấy ngực bị sưng đau, sữa không ra được. Tuy nhiên trong khi thực hiện, nhiều mẹ vẫn mắc phải một số sai lầm khiến kết quả không được như ý muốn.

1. Chữa tắc sữa bằng lá bồ công anh sau khi tình hình đã nặng

Bồ công anh cũng như nhiều loại thảo dược khác (lá mít, lá đinh lăng) chỉ dùng cho những trường hợp bị tắc sữa nhẹ. Đặc biệt, nó cho kết quả tốt nhất khi mẹ vừa mới phát hiện ra mình bị sưng cứng ngực, các cục sữa đông chưa hình thành hoặc đã hình thành nhưng chưa quá cứng.

4 SAI LẦM khi chữa trị tắc tia sữa bằng lá bồ công anh - ảnh 2

Điều này có nghĩa là nếu như mẹ đã bị tắc sữa trên 3 ngày thì chữa tắc tia sữa bằng lá bồ công anh rất khó khắc phục được. Nếu như mẹ sử dụng phương pháp này sau khi bầu ngực đã bị ung mủ, tình trạng có thể sẽ còn tồi tệ hơn.

2. Đắp lá bồ công anh ướp lạnh với mong muốn giảm đau khi bị tắc sữa

Chườm lạnh (dưới 15 độ C) áp dụng cho những trường hợp đau do chấn thương, bị xuất huyết, phù nề vì nhiệt độ thấp sẽ làm mạch máu co lại, làm giảm tuần hoàn máu tại chỗ, kết quả là giảm trương lực cơ, giảm đau cấp.

Khi bị tắc tia sữa, nguyên nhân xuất phát từ bên trong chứ không phải do chấn thương nên nếu để lạnh lá bồ công anh rồi mới đắp lên bầu ngực, các mạch máu và ống dẫn sữa có thể bị co lại khiến cho tình trạng ùn tắc càng trở nên trầm trọng hơn.

3. Ngừng cho con bú trong thời gian trị tắc sữa bằng lá bồ công anh

Khi bị tắc sữa, đa phần các mẹ đều ngừng cho con bú, một phần vì sợ đau, phần nữa vì con bú phải sữa không đảm bảo. Đây chính là sai lầm cơ bản khiến tắc sữa ngày càng nặng cũng như cách trị tắc sữa bằng lá bồ công anh không mang lại hiệu quả.

Nguyên nhân vì trong thời gian tắc sữa, các mô tuyến sữa vẫn tiếp tục hoạt động làm sữa ứ đọng ngày một nhiều. Trong khi đó nếu như mẹ vẫn tích cực cho con bú, hút sữa thì một phần sữa này sẽ được giải thoát, hoạt động ngậm bắt núm vú của con cũng sẽ kích thích cơ thể mẹ sản xuất hormone giải phóng sữa oxytocin hỗ trợ đẩy sữa ra khỏi bầu ngực.

4. Trông đợi quá nhiều vào cách trị tắc sữa bằng lá bồ công anh

Cần phải biết rằng tắc tia sữa uống lá bồ công anh không phải là thần dược mà nó phụ thuộc khá nhiều vào cơ địa của người mẹ. Ngay cả khi mẹ mới bị tắc tia sữa, sử dụng phương pháp này đôi khi cũng có thể không hiệu quả do cơ địa không phản ứng tốt với thuốc.

Công dụng dược lý của lá bồ công anh đúng là không thể phủ nhận, nhưng mẹ cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào nó. Nếu sau 3 ngày chữa tắc tia sữa bằng lá bồ công anh nhưng tình hình không thể cải thiện, tốt nhất mẹ hãy đến bệnh viện để được điều trị, thăm khám.

Nguồn : bau.vn