Người bệnh tiểu đường nên tránh ăn những món ăn này ngày Tết

Đối với bệnh nhân tiểu đường, nan giải nhất là lên kế hoạch ăn uống phù hợp. Lý do lượng đường trong máu tăng phần lớn là do ăn uống không đúng.

Bác sĩ Ck2  Phan Nhật Khánh – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phục hồi chức năng Điều trị bệnh nghề nghiệp (TPHCM) chia sẻ về về chế độ ăn uống đúng cách cho người bệnh tiểu đường,

Cách lên thực đơn

Tỷ lệ giữa các thành phần sinh năng lượng trong bữa ăn hàng ngày của người bệnh tiểu đường được xác định cụ thể như sau sẽ rất tốt trong ổn định, điều trị bệnh:

 – Protein: Lượng protein nên đạt 1- 1,2 g/kg/ngày đối với người lớn, tương đương 15% – 20% năng lượng khẩu phần ăn.

– Lipid: Tỷ lệ chất béo chiếm 25% tổng số năng lượng khẩu phần, không nên vượt quá 30%. Hạn chế các axit béo bão hòa. Điều này giúp ổn định đường huyết, ngăn ngừa xơ vữa động mạch

– Gluxit: Tỷ lệ năng lượng gluxit cung cấp nên đạt từ 50% – 60% tổng số năng lượng khẩu phần của người bệnh tiểu đường. Nên chọn lựa loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như: gạo lức, bánh mì đen, yến mạch, các loại đậu nguyên hạt…

Những món ăn nên tránh

Để quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất, người bệnh tiểu đường cần hạn chế các loại thực phẩm sau:

– Hạn chế ăn gạo trắng, bánh mì, miến, bột sắn dây, các loại củ nướng.

– Hạn chế các thực phẩm chứa chất béo bão hòa, nhiều cholesterol gây nguy cơ tăng bệnh tim mạch, không tốt cho sức khỏe nói chung và người bệnh tiểu đường nói riêng.

– Không nên ăn thịt heo mỡ, phủ tạng động vật, da của gia cầm, kem tươi, dầu dừa, các loại bánh kẹo ngọt, mứt, sirô, các loại nước có ga…

– Hạn chế tối đa các loại hoa quả sấy khô, mứt hoa quả… bởi loại này chứa một lượng đường rất cao, không hề tốt cho sức khỏe người bệnh.

Người bệnh tiểu đường nên ăn gì và không nên ăn gì cần tuân theo sự tư vấn, chỉ định nhất định của bác sĩ. Bên cạnh đó cần biết và nắm rõ các nguyên tắc để tránh tăng đường huyết, ngăn chặn và làm chậm các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Những điều người bệnh cần tuân thủ

– Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày để tránh tình trạng đường huyết tăng đột ngột.

– Ăn uống điều độ, đúng giờ, không nên để tình trạng quá đói, hoặc quá no.

– Không nên thay đổi quá nhanh và quá nhiều cơ cấu và khối lượng các bữa ăn hàng ngày.

– Cần vận động sau khi ăn, tránh nằm, ngồi một chỗ sau ăn, dành thời gian tập luyện thể dục thể thao để đảm bảo sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường không những chỉ có ở người lởn tuổi mà có ở cả trẻ nhỏ. Căn bệnh này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như hoại tử chân, biến chứng cấp tính và cấp mãn tính.

 

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng