1. Thai chậm phát triển trong tử cung là gì ?
Trong thực tế, khái niệm thai chậm phát triển trong tử cung bao gồm trọng lượng thai tại thời điểm thăm khám và sự phát triển của thai. Để xác định thai thực sự có chậm phát triển hoặc ngừng phát triển thì phải đo kích thước và ước lượng trọng lượng thai ở ít nhất 2 lần thăm khám liên tiếp cách nhau 01 tuần. Tùy từng tác giả, tùy từng nhóm nghiên cứu mà giới hạn của thai chậm phát triển trong tử cung thay đổi, nằm dưới đường bách phân vị thứ 10, thứ 5 hoặc thứ 3.
Thai chậm phát triển trong tử cung
2. Nguyên nhân bệnh Thai chậm phát triển trong tử cung
Một số nguyên nhân chính gây chậm phát triển thai trong tử cung gồm có:
- Tiền sản giật: là bệnh lý mà thai phụ có tình trạng tăng huyết áp làm ức chế các tĩnh mạch làm hạn chế sự lưu thông máu đến nhau thai khiến tử cung không thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bào thai, hậu quả là sự chậm phát triển của thai trong tử cung
- Mang đa thai: việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho nhiều bào thai sẽ khó khăn hơn chỉ một bào thai và nguy cơ tiền sản giật khi mang đa thai cũng cao hơn. Có đến 25-30% thai chậm phát triển khi mang thai song sinh
Mang đa thai gây thai nhi chậm phát triển
- Nhiễm trùng: bất kỳ bệnh lý nhiễm trùng nào ở mẹ trong thời kỳ mang thai (giang mai, sởi, nhiễm toxoplasma, cytomegalovirus) đều có thể dẫn đến tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung
- Thiểu ối: nước ối là thành phần quan trọng giúp thai phát triển bình thường, nếu mực nước ối thấp do bất kỳ nguyên nhân nào (sức khỏe mẹ không tốt, sử dụng thuốc, rỉ ối) cũng có thể dẫn đến thai nhi chậm phát triển
- Nhau thai yếu: nhau thai khi hoạt động không bình thường sẽ không cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác có thể kể đến như:
- Mẹ có vóc dáng nhỏ hoặc thiếu chất dinh dưỡng
- Tử cung có hình dạng hoặc kích thước bất thường
- Mẹ chảy máu hoặc mắc các bệnh lý như: đái tháo đường thai kỳ, hồng cầu liềm…
- Mẹ có lối sống thiếu lành mạnh, sử dụng rượu bia, thuốc lá, tiếp xúc chất độc hại…
- Thai nhi bị bất thường về nhiễm sắc thể: hội chứng Turner, Down
- Các bất thường về di truyền và xương ở thai nhi
3. Các phương pháp, dấu hiệu nhận biết thai chậm phát triển trong tử cung
Chẩn đoán sớm thai chậm phát triển trong tử cung giúp đưa ra các biện pháp xử trí phù hợp, hạn chế các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, có các phương pháp giúp nhận diện thai chậm phát triển trong tử cung, gồm:
- Triệu chứng lâm sàng: Bệnh không có dấu hiệu đặc trưng do đó rất khó để chẩn đoán bệnh nếu chỉ dựa vào triệu chứng
- Siêu âm: Là phương pháp hiệu quả giúp chẩn đoán bệnh. Khi siêu âm, bác sĩ sẽ so sánh đối chiếu các kích thước của thai nhi với kích thước chuẩn để đánh giá thai chậm phát triển trong tử cung cân đối hay không cân đối.
- Chỉ số đường kính lưỡng đỉnh: có tới 70% các trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung có kích thước đường kính lưỡng đỉnh nhỏ hơn so với tuổi thai.
- Chỉ số chu vi bụng: Đây là một chỉ số thường được sử dụng nhất để dự đoán thai chậm phát triển trong tử cung. Chỉ số chu vi bụng có giá trị dự đoán thai chậm phát triển trong tử cung cao hơn chỉ số đường kính lưỡng kính, chu vi đầu và chiều dài xương đùi. Trong một số trường hợp người mẹ không nhớ chính xác ngày kinh nên không thể xác định được tuổi thai, nếu tốc độ tăng của chu vi bụng dưới 10 mm trong 15 ngày thì có thể nghĩ tới thai chậm phát triển trong tử cung.
- Chỉ số chiều dài xương đùi: Chỉ số này không có giá trị đặc biệt trong chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung.
- Tình trạng nước ối: vì có tới khoảng 90% các trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung có tình trạng thiểu ối.
- Độ trưởng thành bánh rau: Không có nhiều ý nghĩa trong chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung.
- Ước lượng trọng lượng thai rất khó để có một công thức tính chính xác trọng lượng thai nhi trong tử cung, chúng ta chỉ có thể ƣớc đoán trọng lượng thai trong khoảng cộng trừ 10 % của giá trị trung bình, đối chiếu với biểu đồ phát triển trọng lượng thai theo tuổi thai để chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung.
- Chỉ số Doppler động mạch: có 2 trường hợp sau:
- Doppler động mạch rốn và động mạch tử cung bình thường : trường hợp này thai chậm phát triển trong tử cung có thể do bất thường NST và ở thời kỳ chu sinh cũng ít có nguy cơ biến chứng xảy ra.
- Doppler động mạch tử cung bất thường: trường hợp này thai chậm phát triển trong tử cung do bệnh lý hệ tuần hoàn của người mẹ. Thai phụ có kết quả Doppler động mạch bất thường có nguy cơ cao bị tiền sản giật và rối loạn tăng huyết áp trong các tháng cuối, làm thai chậm phát triển trong tử cung và có khả năng chết lưu trong tử cung.
Nguồn : Sức khỏe cộng đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/nguyen-nhan-va-dau-hieu-cua-benh-thai-nhi-cham-phat-trien-trong-tu-cung-a184737.html