Nguyên nhân và triệu chứng khi bà bầu bị rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa khi mang thai là hiện tượng rất thường gặp ở các mẹ bầu. Hiện tượng này không chỉ gây khó chịu, mệt mỏi...mà còn có thể gây nguy hiểm.

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng hệ tiêu hóa gặp vấn đề bất thường, dẫn đến khó khăn trong vấn đề tiêu thụ thức ăn. Mẹ bầu bị rối loạn tiêu hóa có thể do nhiều nguyên nhân. Bầu cần tìm hiểu nguyên nhân để có hướng xử lý phù hợp nhất.

Nguyên nhân bà bầu bị rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa thường khiến bà bầu bị táo bón, tiêu chảy, ăn không tiêu, đầy bụng, chán ăn… Tình trạng này thường xảy ra ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Sở dĩ bà bầu bị rối loạn tiêu hóa thường do các nguyên nhân sau:

Thời kỳ này, nồng độ hormone trong cơ thể của người mẹ có sự thay đổi: Progesterone tăng lên làm giảm nhu động ruột, dẫn đến thức ăn chậm tiêu hóa. Và táo bón là hệ quả không thể thiếu.

Sự phát triển của thai nhi làm kích thước của tử cung cũng tăng lên làm chèn ép các cơ quan nội tạng, ruột già bị ép lại, ruột non bị đẩy lên nằm hai bên tử cung cũng là nguyên nhân góp phần làm tình trạng táo bón nặng hơn ở 3 tháng cuối thai kỳ. Bên cạnh đó, thời kỳ mang thai, mẹ bầu phải thường xuyên bổ sung viên sắt để phòng chống thiếu máu dinh dưỡng, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm mẹ bầu bị táo bón.

Một hệ lụy thường xảy đến khi mẹ táo bón lâu ngày là làm rối loạn nhu động ruột gây nên tình trạng tiêu chảy. Hoặc có thể khi mang thai, cơ thể người phụ nữ rất nhạy cảm với thức ăn, nhất là với những thức ăn bị nhiễm khuẩn. Một số người còn không thể hấp thụ được lactose trong các loại sữa dành cho bà bầu cũng gây nên tình trạng tiêu chảy.

Tỷ lệ tiêu chảy khi mang thai thường không nhiều như táo bón. Tuy nhiên, tiêu chảy kèm theo nôn mửa làm mẹ bầu rất mất sức và ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé.

Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp

Đầy hơi, ợ hơi, ợ chua, khó tiêu

Thai phụ nếu thường có triệu chứng đầy hơi, ợ chua, khó tiêu thì chưa cần thiết đi khám. Có thể áp dụng những biện pháp giúp giảm đầy hơi, ợ chua, khó tiêu như:

  • Uống những loại thức uống hoặc những món ăn giúp dễ tiêu hóa như uống trà gừng… Đồng thời nên tránh ăn những món ăn gây đầy hơi, ví dụ như những món ăn chứa nhiều dầu mỡ, tinh bột.

  • Có thể uống nước nhiều nhưng mỗi lần chỉ uống từng ít một.

  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày.

Táo bón

Khi bị táo bón, thai phụ nên ăn nhiều những thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước hoặc có thể sử dụng các loại thuốc như sorbitol hoặc có thể dùng thuốc bơm hậu môn để giảm tình trạng táo bón.

Nôn – ói mửa

Phụ nữ bị rối loạn tiêu hóa khi mang thai với triệu chứng nôn ói thì cần uống thuốc chống nôn ói nhưng lưu ý nên sử dụng những loại thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai.

Trong trường hợp thai phụ nôn ói quá nhiều, không thể ăn, không thể uống và thậm chí không uống được thuốc thì thai phụ cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, truyền dịch hoặc dùng thuốc đặt hậu môn để giảm tình trạng nôn ói.

Tiêu chảy

Khi bị tiêu chảy và có dấu hiệu đau bụng nhẹ, thai phụ có thể sử dụng các loại thuốc chống tiêu chảy như thuốc smecta, đây là loại thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai.

Tuy nhiên, nếu thai phụ có triệu chứng tiêu chảy kèm theo sốt, đi ngoài phân có đàm, máu thì đây là triệu chứng tiêu chảy nhiễm trùng do ngộ độc thức ăn hoặc do thức ăn bị nhiễm khuẩn. Những trường hợp này thai phụ cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng