Những câu chuyện có thật khi đi đẻ

Bên này, một chị ”chửa trống” tháng thứ 8 phải lên bàn mổ. Bên kia, một anh chồng vội vã để vợ ở lại với cơn đau đẻ để về nhà vay tiền cho kịp.

Góc khác, ông bố chồng lóng ngóng chăm cô con dâu trẻ vừa mới sinh xong,… Tất cả đều là những câu chuyện có thật mà tôi được chứng kiến trong 3 ngày nằm ở phòng chờ sinh của bệnh viện thị xã.

Như bao bà Bầu ngoại tỉnh khác, tôi chọn cách về sinh con ở quê cho bố mẹ tiện chăm sóc. Tôi dự định nhập viện sớm một tuần để bác sĩ theo dõi và có phương án chuẩn bị tốt nhất. Sáng hôm đó, tôi cùng chồng xuống nhập viện. Khoa sản bệnh viện tỉnh đông đúc hơn tôi tưởng. Bên cạnh phòng sinh là một căn phòng rộng dành cho những người chờ sinh và đã sinh thường xong. Sau khi khám sơ bộ, tôi được bác sĩ cho biết là sẽ đau bụng và chuyển dạ vào ngay đêm hôm đó hoặc cùng lắm là ngày hôm sau. Vì chưa thấy cơn đau nên tôi tung tăng đi hết các giường bệnh hỏi chuyện những bà Bầu khác cho… đỡ sợ.

“Chửa trống” phải lên bàn mổ lần thứ ba

Đầu tiên, tôi bắt chuyện với một chị ngay cạnh giường mình. Chị tên Hoa, nhà cách bệnh viện 30km. Đây là lần sinh thứ ba của chị và lại là… sinh mổ. Chị bảo là mình đã không dùng biện pháp tránh thai ngay sau sinh nên có chửa mà không biết. Mới sinh mổ đứa con thứ hai được ba tháng, vết khâu vẫn còn đau,chị đã lại có thai lại. Ban đầu, thấy bụng cứ to lên và mặt mũi xanh xao, chị tưởng mình bị chứng “hậu sản”. Đi khám ở trạm y tế xã, chị hoảng hốt biết mình có thai. Vậy là vừa nuôi con nhỏ vừa mang thai. Sức khỏe yếu cộng với nỗi lo lắng rách vết mổ cũ khiến chị suy sụp tinh thần. Thai mới được tám tháng, chị Hoa đã thấy có dấu hiệu không ổn ở vết mổ nên vội vàng đi khám. Bác sĩ chỉ định chị phải mổ ngay vì vết khâu ở tử cung có thể rách bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng cả mẹ và con.

Chuẩn bị lên bàn mổ, sự lo âu hiện rõ trên khuôn mặt chị và bà mẹ ruột. Đến bốn giờ chiều, câu chuyện của chị và tôi bị ngắt quãng vì bác sĩ gọi tên chị vào khám lần cuối để lên bàn mổ. Chị đi chưa được bao lâu thì có một người đàn bà trung niên ở đâu hớt hải chạy vào. Vừa thấy bà mẹ chị Hoa ngồi trong phòng, người đàn bà này đã lao đến, giọng bí mật:
– Chị khôn hồn thì vào bảo bác sĩ triệt sản luôn cho con Hoa không thì nó mà chửa nữa là nó chết. Thằng chồng nó cứ “hùng hục như trâu húc mả” thì tránh thai sao được. Thôi thì một công mổ, thắt luôn cái ống dẫn trứng vào cho nó an toàn. Thấy bà mẹ chị Hoa vẫn còn chần chừ, người phụ nữ trung tuổi lại bồi thêm một câu.
– Đằng nào, đứa này nữa cũng là ba thằng con trai rồi còn gì.
Thấy có lý, mẹ chị Hoa lập cập chạy sang phòng bác sĩ. Tôi không biết bác sĩ có đồng ý triệt sản cho chị Hoa luôn không nhưng trong lòng thấy buồn và chợt nghĩ: Có khi, triệt sản cũng là cách tốt nhất cho chị Hoa lúc này. Đã sinh mổ lần thứ ba rồi. Bao nhiêu nguy hiểm rình rập…

Về vay tiền cho kịp

Chiều tối, phòng chờ sinh lại đón thêm một cặp vợ chồng nữa. Người vợ đang nhăn nhó vì đau đẻ. Anh chồng vừa dìu vợ vào đến giường nằm đã vội gắt lên:
– Người ta đẻ bằng chỗ đó được sao cô lại không chứ. Nằm im đấy tôi đi về nhà.
– Đang đau sắp chết đây, không ở lại, về làm gì? – Chị vợ thều thào.
– Phải đẻ mổ thì về vay tiền chứ làm gì. Có mỗi một triệu.
Nỗi lo lắng khiến anh chồng có khuôn mặt khắc khổ quên mất đang có hàng chục con mắt nhìn vào vợ chồng mình. Anh vội vã khoác chiếc áo lao nhanh ra cửa để về vay thêm tiền cho kịp.
Chị vợ lân la lại giường tôi kể chuyện cho quên cơn đau. Chị bảo nhà hai vợ chồng làm nông nghiệp. Đây là đứa con đầu lòng của anh chị. Chưa đến ngày sinh nhưng do buổi sáng hôm đó chị bị trượt chân ngã trong lúc đi bẻ ngô nên chuyển dạ. Cứ tưởng sinh thường được nên anh chị chỉ mang có một triệu đồng theo. Chị bảo:
– Nói thật, nhà cũng chỉ có từng đó.
Thật không may, chị vào khám thì được bác sĩ cho biết thai nhi ngôi ngược, cần phải mổ gấp. Trong lúc mang thai, chị không đi siêu âm hay khám thai lần nào do tâm lý e ngại và một lý do rất đơn giản: không có tiền.
Tôi thấy chị trò chuyện được một lúc thì những cơn đau dồn dập kéo đến. Chị vật vã với cơn đau trong khi chồng chị vẫn chưa đến. Có lẽ anh chồng giờ này vẫn đang chạy vạy vay mượn tiền nong ở đâu đó. Tôi không biết anh có vay được không, vay được nhiều hay ít, chỉ thấy một niềm cảm thông sâu sắc với người phụ nữ bên cạnh. Còn rất nhiều người phụ nữ như thế trên những vùng quê nghèo. Tôi thấy mình may mắn vì được siêu âm, khám thai thường xuyên và hơn thế, tôi không phải lo về tiền nong khi đi đẻ.

Bà đẻ ăn ngô luộc

Tối hôm đó, tôi bắt đầu thấy bụng đau lâm râm. Chồng tôi lo lắng gọi bác sĩ đến khám thì cổ tử cung đã mở được hai phân. Trong lúc chờ đợi cổ tử cung mở hết, tôi còn chứng kiến một câu chuyện nữa.
Một ca đẻ khó được chuyển từ trạm xá xã lên. Cô gái trẻ đang trong cơn chuyển dạ được bố chồng đèo xe máy đến. Vừa xuống xe, cô đã kêu la ầm ĩ vì đau đớn. Vào phòng sinh, cô được bác sĩ cho “đẻ chỉ huy” có truyền thuốc. Sau khoảng 30 phút, một bé trai hơn 3kg đã cất tiếng khóc chào đời. Ông bố chồng lóng ngóng khi nghe bác sĩ gọi người nhà vào bế sản phụ sang căn phòng chúng tôi đang ngồi. Thì ra, con trai ông làm xa, con dâu khó đẻ khiến ông lúng túng đưa vội cô lên bệnh viện thị xã mà chưa kịp báo thêm người nhà. Vậy là, ông bố chồng lập cập chạy qua chạy lại hết bế cháu rồi lại bế cô con dâu từ phòng sinh sang. Chúng tôi nhìn ông vừa thông cảm, vừa buồn cười. Chưa kịp hỏi chuyện thì ông đã tất tả chạy ngay ra ngoài cửa. Lát sau, ông đi vào mới một túi ngô luộc trên tay và vài quả chuối tiêu. Ông bảo cô con dâu ăn cho lại sức. Vừa nghe ông nói thế, một bà già chăm con gái đẻ bèn lên tiếng:
– Này cái ông kia, ông cho bà đẻ ăn ngô để sau này nó rụng hết răng à. Lại còn chuối tiêu nữa, ăn vào lạnh bụng, hậu sản chết bây giờ. Ông mau đi mua mấy quả trứng luộc nóng về đây cho con ăn.
Nghe vậy, ông vâng dạ vài câu, rồi quăng ngay mấy bắp ngô vào đầu giường rồi lại lục tục chạy ra cửa. Cả phòng được trận cười nghiêng ngả. Cô con dâu đang đau cũng bật cười.
Tôi cảm thấy đau dồn dập ngay sau đó. Mở được 4 phân, tôi lên bàn để đẻ chỉ huy. Từng cơn co kéo đến khiến tôi đau quá hoa cả mắt.
– Mở đủ 10 phân rồi, mọi người vào đỡ đẻ! (Bác sĩ nói),
Tôi lấy hết sức rặn theo lời bác sĩ. Một cơn, hai cơn,… tôi đếm được 17 lần rặn thì con gái tôi chào đời. Ngỡ ngàng và hạnh phúc, tôi vẫn kịp nghe bác sĩ gọi to:
– Bà nội vào đón cháu nào. Công chúa ba cân bảy nhé!
Tôi bị rạch tầng sinh môn và khâu 3 mũi. Chồng tôi bước vào, mỉm cười và bế tôi sang căn phòng cũ. Anh bảo:
– Bà nội vừa bế cháu ra là cả nhà chạy theo xem cháu hết. Anh cũng tò mò muốn xem mặt con lắm nhưng anh vẫn đứng ngoài cửa phòng sinh chờ xem vợ mình thế nào.
Tôi hạnh phúc trong vòng tay chồng và gia đình. Càng nghĩ, tôi càng thấy mình may mắn hơn những bà Bầu khác trong phòng rất nhiều.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng