Từ xa xưa, rất nhiều công dụng của tỏi đã được biết đến bao gồm: là một gia vị phổ biến và cũng là vị thuốc vô cùng quen thuộc để phòng, chữa bệnh cũng như tăng cường sức khỏe. Những người xây Kim tự tháp đã ăn tỏi để lấy sức mạnh, các chiến binh La Mã dùng tỏi để chữa bệnh cúm các vận động viên Olympic Hy Lạp dùng tỏi để cải thiện sức bền, trong Thế chiến thứ nhất, các bác sĩ nước Nga đã sử dụng tỏi như một loại thuốc kháng sinh…
Tỏi và những công dụng tuyệt vời
- Tác dụng tăng cường hệ miễn dịch: Tỏi cũng như dịch chiết xuất của tỏi có thể giúp tăng cường tác dụng của các tế bào miễn dịch, diệt tế bào ung thư.
- Tác dụng kháng sinh: Theo kết quả thực nghiệm, tỏi có tác dụng kháng sinh phổ rộng, có thể ức chế trên 70 loại vi khuẩn. Ngoài ra, còn có tác dụng kháng nấm, kháng ký sinh trùng và virus (giúp chữa cảm cúm và một số bệnh đường hô hấp…)
- Tác dụng điều hòa huyết áp: Các thử nghiệm lâm sàng trên thế giới đều ghi nhận tính hạ áp của tỏi. Tỏi có thể giúp hạ huyết áp tâm thu từ 20 đến 30mmHg và hạ huyết áp tâm trương từ 10 đến 20mmHg.
- Tác dụng chống sinh huyết khối: Tiến sĩ Eric Block (Viện Đại học Quốc gia New York – Hoa Kỳ) đã tìm ra trong tỏi có hoạt chất tác dụng chống sinh huyết khối, ăn ngừa được chứng nhồi máu ( tim và đột quỵ tương tự như thuốc aspirin.
- Tác dụng hạ mỡ máu: Theo Tạp chí “Ăn uống và dinh dưỡng” của Trường Đại học Taffsi (Mỹ): mỗi ngày ăn hai nhánh tỏi có tác dụng hạ cholesterol, vì thế cũng có tác dụng giảm xơ vữa động mạch.
- Tác dụng điều hòa đường huyết: Trong thử nghiệm in vivo trên thỏ, tỏi giúp hạ đường huyết cũng như gia tăng lượng insulin tương đương tolbutamid (giúp hạ đường huyết).
- Tác dụng trên da: Tỏi làm tăng cường tuần hoàn máu cho làn da, có tác dụng trẻ hóa tế bào, chống lão hóa, tăng cường sự bài tiết hormone làm cho da tươi đẹp hơn.
Công dụng của tỏi trong Đông y
Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ấm, có tác dụng giải cảm, giải độc, hạ khí, tiêu đờm, lợi tiểu, tiêu viêm, đầy chướng bụng, khí hư. Dưới đây là một số cách dùng tỏi để chữa các bệnh thường gặp:
– Trị cúm: Lấy tỏi giã nát, vắt lấy nước cốt uống, có thể kết hợp nhỏ mũi một vài giọt.
– Trị viêm dạ dày gây nôn ói: Lấy hai củ tỏi nướng chín, ăn với mật ong.
– Chữa chảy máu cam: Giã 2-3 tép tỏi đắp vào gan bàn chân, tại huyệt Dũng tuyền (nằm trên gan bàn chân, lấy khoảng cách từ ngón chân thứ 2 (ngón chân trỏ) tới gót chân chia làm 2 phần, huyệt Dũng tuyền là điểm lõm nằm cách ngón chân trỏ 2/5 khoảng cách đó). Nếu chảy máu cam lỗ mũi phải thì đắp gan bàn chân trái và ngược lại. Nếu chảy cả 2 lỗ mũi thì đắp cả 2 gan bàn chân. Hết chảy máu thì bỏ tỏi, rửa sạch bàn chân.
– Chữa viêm, đau khớp: Tỏi và lá lốt đun sôi để xông. Sau đó ngâm khớp tay, chân đau. Nếu đau lưng, đầu gối thì lấy khăn nhúng nước thuốc nóng để chườm. Ngày làm 2 lần sáng và tối.
– Bài thuốc chăm sóc da từ tỏi: Cho tỏi vào nước nấu đến khi đặc quánh rồi thêm chút mật ong. Mỗi ngày uống một thìa nhỏ dung dịch này, sau thời gian dài sẽ có tác dụng chống lão hoá, hạn chế sự hình thành nếp nhăn.
– Tác dụng chống đầy hơi: Tỏi có tác dụng chống đầy hơi và giúp tống hơi ra khỏi ruột, nhờ thế làm giảm chướng bụng, có chức năng làm giảm sinh hơi trong ruột. Do đó, tỏi có tác dụng điều chỉnh rối loạn tiêu hóa mà nguyên nhân là do dư thừa hơi trong bụng. Ngoài ra, tinh dầu tỏi còn có tác dụng trong việc ngăn cản sự phát triển của các vi khuẩn không có lợi trong ruột, làm giảm nguy cơ viêm đại tràng và tình trạng bệnh viêm đại tràng mạn tính.
Nguồn : bau.vn