Sốt xuất huyết ở trẻ em thường có biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và diễn biến phức tạp.
Sốt xuất huyết là gì?
Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế: Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành phổ biến ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Sốt xuát xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ
Bệnh sốt xuất huyết có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng có 3 giai đoạn là:
– Giai đoạn sốt: Trẻ mắc bệnh thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, thời gian sốt từ 2 – 7 ngày, kèm theo những biểu hiện chán ăn nôn buồn nôn, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau khớp, đau 2 hốc mắt, chấm xuất huyết dưới da. Vào thời điểm này, những triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng và khó phân biệt với sốt virus thông thường.
– Giai đoạn nguy hiểm: Từ ngày thứ 3 – 7 của bệnh, trẻ bắt đầu hạ sốt khoảng 37,5 – 38°C hoặc thấp hơn, một số bệnh nhi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như lừ đừ, mệt mỏi, ói nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, gan to, hoặc một số trường hợp diễn tiến đến sốc sốt xuất huyết với biểu hiện tay chân lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp hoặc không đo được. Tất cả những trường hợp trên cần phải được nhập viện ngay và tuân theo sự chỉ định của bác sĩ. Nếu để tình trạng sốc kéo dài, bệnh nhi có thể tổn thương nhiều cơ quan, có thể dẫn đến tử vong.
– Giai đoạn hồi phục: Sau 24 – 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, lúc này trẻ đã bắt đầu hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn. Khi xét nghiệm máu sẽ thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.
Phân biệt sốt virus và sốt xuất huyết ở trẻ
Sốt virus
Sốt virus ở trẻ thường xuất hiện những dấu hiệu như sau
- Sốt cao đột ngột 39 – 40°C
- Đau cơ bắp: Khi bị sốt virus, một số trẻ có biểu hiện đau nhức khắp mình mẩy, đau tập trung ở cơ bắp.
- Đau đầu, quấy khóc, li bì: Thường gặp ở trẻ nhỏ, biểu hiện quấy khóc không rõ nguyên nhân, tuy nhiên một số trường hợp mặc dù bị đau đầu nhưng bé vẫn tỉnh táo.
- Phát ban da: Thường xuất hiện từ 2 – 3 ngày sau khi bị sốt (đến khi xuất hiện ban thì bé đỡ sốt hơn).
- Các dấu hiệu khác: Như chảy nước mắt, đỏ mắt, đau mắt, nhiều gỉ mắt,… khiến cho tầm nhìn của bé bị mờ đi.
- Khó thở, co giật: Một số trẻ nhỏ bị sốt virus nghiêm trọng, có triệu chứng co giật liên hồi, kèm khó thở, thở dốc.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết ở trẻ em thường xuất hiện những dấu hiệu nặng hơn so người lớn. Bởi vì trẻ bị sốt xuất huyết dễ dẫn đến sốc và tái sốc nên rất nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời.
Như phần trên của bài viết, sốt xuất huyết thường trải qua 3 gia đoạn với những dấu hiệu khác nhau. Những dấu hiệu sốt xuất huyết giai đoạn đầu có thể dễ bị nhầm lẫn với sốt virus. Tuy nhiên, biểu hiện của sốt xuất huyết đặc trưng chủ yếu ở các biểu hiện như: xung huyết trên da, phát ban dạng chấm dưới da (dấu hiệu xuất huyết), chảy máu chân răng.
Đối với trẻ em, biểu hiện sốt xuất huyết là cơn sốt cao đột ngột, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau khắp mình mẩy, đau nhức ở hốc mắt, niêm mạc xung huyết, phát ban dạng chấm dưới da, có thể kèm theo chảy máu chân răng. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị chảy máu nội tạng, suy hô hấp, suy tuần hoàn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Đặc biệt, đối với sốt virus thông thường, hết sốt là lúc bệnh thuyên giảm. Tuy nhiên sốt xuất huyết lại khác, hết sốt mới là giai đoạn nguy hiểm nhất cần được khám bệnh và theo dõi sát sao.
Nguồn : bau.vn