Canh rau chùm ngây là một phần không thể thiếu trong bữa ăn ngày hè của nhiều hộ gia đình Việt Nam. Vậy rau chùm ngây có tác dụng gì?
Nguồn gốc của rau chùm ngây
Chùm ngây, còn được gọi là ba đậu dại (Horseradish tree, tên khoa học là Moringa oleifera) nằm trong chi Chùm ngây (Moringa), họ Chùm ngây (Moringaceae). Xuất xứ từ núi Himalaya, Tây Bắc Ấn Độ; chùm ngây là cây thân gỗ óng, không gai, mọc hoang, cao tới hàng chục mét. Lá chùm ngây có 2 loại, bao gồm lá kép (dài) và lá chét (ngắn), hoa trổ vào tháng 1-2, màu trắng và có hình dáng giống hoa đậu.
Chùm ngây cũng là loại cây hiếm hoi mà tất cả các bộ phận đều hữu dụng với con người. Trong những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam) đã dành sự chú ý đặc biệt cho chùm ngây. Ngoài việc sử dụng rau chùm ngây làm thực phẩm, loại cây này còn được ứng dụng rộng rãi trong công nghệ dược phẩm, mỹ phẩm, nước giải khát dinh dưỡng và thực phẩm chức năng.
Tác dụng của chùm ngây đối với sức khỏe
1. Rễ chùm ngây
- Chống co giật, chống sưng và giúp cho con người lợi tiểu.
- Ở một số nơi còn dùng nước uống của chùm ngây để ngăn ngừa việc có thai. (rễ cây chùm ngây còn tươi rửa sạch băm nhỏ nấu với 2 lít nước, nấu còn nửa lít thuốc, chia uống 2 lần trong ngày)
- Giúp loại bỏ sạn thận loại Oxalate.
- Vỏ rễ dùng sắc lấy nước trị đau răng, đau tai…
- Rễ tươi của cây chùm ngây non dùng trị nóng sốt, phong thấp, sưng gan và lá lách…
2. Vỏ thân cây chùm ngây
- Trị nóng sốt, đau dạ dày, sâu răng…
- Nhiều trường hợp đưa vỏ thân cây chùm ngây vào tử cung để gây giãn nở, phá thai.
3. Lá cây chùm ngây
Giã nát lá đắp lên vết thương giúp trị sưng và nhọt. Lá cũng có thể trộn với mật ong để đắp lên mắt trị sưng đỏ.
4. Hạt cây chùm ngây
- Dầu được chế từ hạt chùm ngây trị phong thấp
- Hạt chùm ngây giúp trị táo bón, mụn cóc và giun sán.
- Ngoài ra, hạt chùm ngây còn có tác dụng lọc nước. Hạt có chứa các hợp chất “đa điện giải” tự nhiên có thể dùng làm chất kết tủa để làm trong nước.
Tác dụng phụ của rau chùm ngây
Sử dụng rau chùm ngây dưới dạng tự nhiên và có khoa học giúp bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể và ít đem lại tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sử dụng chiết xuất chùm ngây hoặc các thực phẩm chức năng có thành phần là rau chùm ngây có thể làm chậm quá trình hấp thụ protein và khoáng chất của cơ thể.
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cũng lo ngại rằng việc sử dụng chiết xuất chùm ngây dưới dạng thực phẩm chức năng trong thời gian kéo dài có thể gây nên các bệnh về gan, thận hay thậm chí là vô sinh.
Hiện tượng này được lý giải là do cơ thể không có khả năng hấp thụ một lượng lớn dưỡng chất trong thời gian ngắn, dẫn tới tổn hại nội tạng. Chính vì lý do này, bạn nên chuyển sang sử dụng rau chùm ngây tươi, khô hoặc dạng bột để đảm bảo an toàn. Liều lượng hợp lý được các chuyên gia khuyên dùng là khoảng 2 bữa rau chùm ngây/tuần.
Ngoài ra, ăn rau chùm ngây trong thời kỳ mang thai cũng có thể đem lại nhiều hệ lụy xấu về sức khỏe như co thắt tử cung , sảy thai…
Những ai không nên sử dụng rau chùm ngây?
Khi có thai, hormone thai nghén là progesterone bài tiết làm mềm tử cung khiến cơ tử cung không co bóp. Còn alpha-sitosterol trong rau chùm ngây gây co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai.
Chính vì thế, phụ nữ có thai, nhất là người đang mang thai giai đoạn đầu không nên sử dụng chùm ngây để giữ an toàn cho thai nhi và bà mẹ.
Đối với các đối tượng đặc biệt như các bệnh nhân mắc bệnh về máu, những người đang chuẩn bị hoặc trong quá trình phẫu thuật hay điều trị thuốc, tốt nhất nên kiêng ăn rau chùm ngây trong thời gian này để đảm bảo sức khỏe.
Trong quá trình ăn và sử dụng các sản phẩm làm từ rau chùm ngây, nếu gặp phải bất cứ vấn đề nào về sức khỏe, phải ngừng việc sử dụng lại và đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
Nguồn : bau.vn