Rối loạn kinh nguyệt sau sinh: Hiện tượng bình thường hay cần cảnh báo?

Tuy tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh không phải ai cũng gặp phải. Nhưng chị em không khỏi lo lắng, vì chúng tiềm ẩn một số nguy cơ gây bệnh.

Trong thời gian mang thai thì cơ thể đã quen với việc không có chu kỳ nào, nên việc rối loạn kinh nguyệt sau sinh rất dễ diễn ra. Cụ thể hơn, mẹ có thể xem nguyên nhân cũng như dấu hiệu bất thường để đến bác sĩ kiểm tra nhé.

Sau khi sinh bao lâu thì có kinh nguyệt trở lại?

Tình trạng chậm kinh sau khi sinh con phổ biến hơn mẹ tưởng đấy. Cơ thể mẹ phải trải qua nhiều thay đổi rất lớn trong quá trình mang thai và sinh nở. Trong khoảng vài tháng đến tận một năm sau sinh thì mọi thứ có thể vẫn chưa ổn định.

roi loan kinh nguyet sau sinh

Thực tế thì vấn đề sau sinh bao lâu có kinh nguyệt lại không có câu trả lời chính xác. Dù là bác sĩ giàu kinh nghiệm cũng khó có thể dự đoán chính xác “bách phát bách trúng”. Nguyên nhân là vì thời điểm có kinh nguyệt lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Một số câu hỏi cơ bản để dự đoán gồm:

  • Bạn có cho trẻ bú mẹ không? Bé bú với tần suất như thế nào?
  • Cơ thể mẹ đã có những thay đổi như thế nào trong giai đoạn mang thai?
  • Mẹ có bệnh lý nền nào hay không?
  • Tình trạng kinh nguyệt trước khi mang thai của mẹ như thế nào?

Nếu mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thì cơ thể sẽ ngừng rụng trứng và do đó không hành kinh. Nguyên nhân là hormone tạo sữa prolactin ức chế quá trình rụng trứng. Nghĩa là cho đến khi trẻ cai sữa mẹ thì bạn mới bắt đầu có kinh nguyệt trở lại. Nếu bé bú sữa mẹ kết hợp sữa công thức hoặc chỉ bú sữa công thức thì khoảng 1-3 tháng sau sinh mẹ sẽ có kinh lại.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn kinh nguyệt sau sinh

1. Do nuôi con bằng sữa mẹ

Như đã nói bên trên, hormone tiết sữa prolactin làm hoạt động của hệ trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng thay đổi. Chu kỳ kinh nguyệt theo đó cũng có thể tới chậm hơn đến cả năm hoặc tháng có tháng không là bình thường. Do đó, nếu nuôi con bằng sữa mẹ mà bị rối loạn kinh nguyệt sau sinh thì mẹ không cần lo lắng nhé. Khi nào bé cai sữa thì cơ thể sẽ tự điều chỉnh lại mà thôi.

2. Tâm lý bất ổn sau sinh

Tâm lý bất ổn sau sinh cũng dễ gây rối loạn kinh nguyệt. Việc mệt mỏi, chán nản vì thời gian sinh hoạt đảo lộn cũng như con quấy khóc, khó ngủ… đều là những áp lực rất lớn lên mẹ bỉm. Đặc biệt những ai sinh con đầu lòng càng cảm nhận rõ điều này. Đó là chưa kể tới tình trạng trầm cảm sau sinh, ảnh hưởng không chỉ tới tinh thần mà còn khiến thể chất của mẹ kiệt quệ.

roi loan kinh nguyet sau sinh

Những lúc này mà còn thêm rối loạn kinh nguyệt sau sinh thì chị em càng bất an là đương nhiên. Lúc này, hãy cố gắng giữ chế độ dinh dưỡng ổn định, san sẻ áp lực cho người nhà và nếu quá khó khăn thì hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ chuyên nghiệp.

3. Rối loạn kinh nguyệt sau sinh do bệnh phụ khoa

Cơ thể mẹ sau sinh còn yếu, nhất là nếu trước khi mang thai cơ thể còn có bệnh nền. Miễn dịch chưa hồi phục nên chỉ cần mẹ sơ sẩy một xíu thì vi khuẩn đã kịp nhân cơ hội này tấn công cơ thể. Một trong các biểu hiện phổ biến của viêm nhiễm phụ khoa chính là kinh nguyệt bất thường.

Rối loạn kinh nguyệt sau sinh có ảnh hưởng gì không?

Việc mang thai và sinh con có thể thay đổi hoàn toàn chu kỳ kinh nguyệt của bạn và mọi thứ sẽ chẳng còn như trước. Dẫu việc rối loạn này thường không nguy hiểm nhưng kèm theo đó là một số triệu chứng khó chịu như:

  • Chuột rút, đau bụng nhiều hơn so với trước kia.
  • Xuất hiện các cục máu đông nhỏ.
  • Thay đổi lưu lượng máu kinh.

Nhìn chung, nếu sau hơn 1 năm mà vẫn không thấy kinh nguyệt hoặc vẫn có các biểu hiện sau thì bạn nhớ đi kiểm tra:

  • Kinh nguyệt không đều, tháng có tháng không.
  • Thời gian hành kinh dài ngắn thất thường, lượng máu kinh cũng không ổn định
  • Kinh nguyệt vón cục, màu sắc thay đổi hoặc có mùi hôi
  • Núm vú đau tức dù không cho con bú, tức ngực, cơ thể mệt mỏi.
  • Đau bụng dưới kéo dài liên tục
  • Vùng kín xuất hiện dấu hiệu bất thường như đau rát, ngứa, dịch âm đạo có mùi/màu lạ…

Tóm lại, rối loạn kinh nguyệt sau sinh đa phần là hiện tượng sinh lý bình thường ở nữ giới do sự thay đổi hormone trong lúc mang thai, cho bú. Tuy nhiên nếu tình trạng này xuất hiện kèm các dấu hiệu bất thường thì mẹ đừng chủ quan hoặc tìm cách tự chữa. Bất kỳ bệnh lý nào cũng cần thông qua chẩn đoán từ bác sĩ chuyên khoa mẹ nhé.

Nguồn : bau.vn