Say nắng, say nóng mùa hè phải làm gì? Mách bạn cách xử trí an toàn, kịp thời

Mùa hè với thời tiế nắng nóng, oi bức như đổ lửa rất dễ gây ra các hiện tượng chóng mặt, say nắng và say nóng. Làm thế nào để xử trí khi bị say nắng - bài viết dưới đây sẽ là câu trả lời dành cho bạn.

Say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè. Không chỉ có biểu hiện: mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu,… mà còn có thể gây đột quỵ, nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và tử vong.

Nguyên nhân gây say nắng, say nóng là gì?

Khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.

say nang

Như vậy say nắng thường biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, có thể có nhiều dấu hiệu thần kinh sớm, rất rõ tổn thương có thể hồi phục hoặc không hồi phục. Một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.

Còn say nóng là tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch mà bản chất là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh. Ánh nắng mặt trời và sức nóng là 2 tác nhân vật lý có thể gây stress với cơ thể.

Một số hoạt động dễ khiến say nắng, say nóng

  • phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời
  • phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức (hầm lò, trong phòng kín…)
  • hoạt động thể lực quá sức
  • chơi các môn thể thao cường độ cao
  • làm việc nặng nhọc kéo dài

Những hoạt động này sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó trong say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu.

Biểu hiện của tình trạng này là gì?

Một đặc điểm chung là cả say nóng và say nắng đều dẫn đến một tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn, hiện tượng này nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong. Một yếu tố nguy cơ nữa khi nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh…

say nang

Những biểu hiện cụ thể là:

  • Sốt từ 40 độ C trở lên
  • Thay đổi về trạng thái tinh thần hoặc hành vi (như lú lẫn, kích động, nói lắp)
  • Chóng mặt và choáng váng
  • Da khô, nóng hoặc đổ mồ hôi nhiều
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Da ửng đỏ
  • Mạch đập nhanh
  • Yếu cơ hoặc chuột rút
  • Thở nhanh
  • Đau đầu
  • Vô thức
  • Co giật

Gợi ý cách xử trí an toàn, hiệu quả, kịp thời

Khi nhận thấy một người có dấu hiệu bị say nắng bạn nên:

  • Bước 1: Nhanh chóng gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp 115 hoặc y tế địa phương.
  • Bước 2: Trong thời gian chờ xe cấp cứu, di chuyển người bị say nắng đến nơi râm mát.
  • Bước 3: Cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết.
  • Bước 4: Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể.
  • Bước 5: Làm mát cơ thể bằng bất cứ cách nào như: xịt mát cơ thể bằng nước, dùng quạt phun sương; đặt túi nước đá hoặc khăn mát lên vùng cổ, nách và bẹn; cho người say nắng uống nước mát để bù nước (nếu có thể)…
  • Bước 6: Đánh giá mức độ tỉnh táo người say nắng (lay gọi, tiếp xúc…).
    Nếu nạn nhân tỉnh táo thì cho nạn nhân uống bổ sung nước, chất điện giải…
    Nếu nạn nhân chưa tỉnh táo tiếp tục làm mát cơ thể trong khi chờ xe cấp cứu.
    Nếu nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu tuần hoàn (thở, ho hoặc cử động) thì thực hiện hô hấp nhân tạo.

Biện pháp phòng ngừa say nắng vào mùa hè

Khi chỉ số nhiệt lên cao, tốt nhất bạn nên ở trong môi trường có không khí mát mẻ. Trường hợp phải ra ngoài khi trời nắng, bạn có thể ngăn ngừa hiện tượng say nắng bằng các cách sau:

  • Bổ sung các loại nước trái cây giúp giảm nhiệt độ cơ thể trong những ngày nắng nóng
  • Mặc quần áo thoáng mát, thoải mái, sáng màu và đội mũ rộng vành
  • Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên
  • Uống ít nhất 1,5 lít nước lọc, nước trái cây hoặc nước ép rau củ mỗi ngày.

say nang

  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi tập thể dục hoặc làm việc ngoài trời.
  • Tránh các chất lỏng có chứa caffeine hoặc rượu.
  • Trường hợp mắc bệnh động kinh/ bệnh tim, thận/ gan… đang ăn kiêng hạn chế chất lỏng; hoặc cơ thể có vấn đề về giữ nước, bạn cần tư vấn bác sĩ trước khi tăng lượng nước cho cơ thể.
  • Theo dõi màu sắc nước tiểu. Nước tiểu sẫm màu hơn là dấu hiệu của tình trạng mất nước. Do đó, bạn nên đảm bảo uống đủ nước để duy trì nước tiểu có màu sáng.

Trên đây là những kiến thức cũng như cách phòng chống say nắng nóng vào mùa hè. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe!

Nguồn : bau.vn