Suy dinh dưỡng ở trẻ: Mẹ phải làm sao đây?

Suy dinh dưỡng là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng hiểu rõ nguyên nhân, biểu hiện và cách khắc phục.

Hiện nay, Việt Nam là một trong 34 quốc gia phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi và tử vong dưới 5 tuổi.

1. Suy dinh dưỡng là gì?

Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng bao gồm thiếu năng lượng, protein, lipid và các vi chất dinh dưỡng. Sự thiếu hụt này làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và sự tăng trưởng của cơ thể. Tình trạng này diễn ra chủ yếu ở trẻ từ 6 đến 24 tháng. Đây là giai đoạn trẻ cần nhu cầu dinh dưỡng cao để phát triển, nếu không được đáp ứng sẽ gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.

2. Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chủ yếu xuất phát từ chế độ sinh hoạt, đồ ăn do không cung cấp đủ chất dinh dưỡng để nuôi sống cơ thể. Ngoài ra, có thể do ngay từ bé, trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ hoặc mẹ cho bé ăn dặm quá sớm.

suy dinh duong

Biếng ăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên

3. Biểu hiện trẻ suy dinh dưỡng

Ở trẻ em, biểu hiện như cân nặng không tăng, thậm chí tụt so với cân nặng trước. Phát sinh những thay đổi trong hành vi như quấy khóc, ít vận động, không chơi đùa linh hoạt như trước. Các bắp tay, bắp chân nhão. bụng to, da dẻ không được mịn màng, căng bóng. Đặc biệt là trẻ chậm phát triển vận động như đi, đứng, bò, ngồi…

4. Phân loại

Tình trạng suy dinh dưỡng được chia làm nhiều cấp độ từ thấp đến cao dựa trên cân nặng theo tuổi, theo chiều cao và chiều cao theo tuổi.

Suy dinh dưỡng thể thấp còi: biểu hiện của thể này là sự phát triển của bé thấp hơn so với sự phát triển trung bình ở cùng độ tuổi và cùng giới tính.

Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: ở thể này, cân nặng của bé thấp hơn cân nặng trung bình ở một độ tuổi, cùng giới tính.

Suy dinh dưỡng thể gầy còm: chiều cao và cân nặng của bé cùng thấp hơn chỉ số trung bình ở một độ tuổi, cùng giới tính.

Dù ở thể nào, dưới hình thức ra sao thì đều mang lại hậu quả không tốt đến với con trẻ. Sự thiếu hụt dinh dưỡng sẽ làm trẻ phát triển không bình thường về hình dáng và trí não.

5. Cách phòng ngừa

Các mẹ hãy cho con bú sữa mẹ sau sinh và kéo dài từ 18 đến 24 tháng để đảm bảo chất dinh dưỡng cố định trong cơ thể trẻ. Đồng thời, có chế độ dinh dưỡng hợp lí như 6 tháng ăn dặm, ăn đủ 4 nhóm thực phẩm chính (bột, đường, đạm béo, vitamin và khoáng chất).

Chú ý việc lựa chọn thực phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe cũng như chất dinh dưỡng có trong đồ ăn. Đối với trẻ, ở mỗi độ tuổi sẽ có khẩu phần ăn khác nhau, nên cần thay đổi khẩu phần ăn thường xuyên để đảm bảo đáp ứng đủ lượng chất cơ thể cần có.

suy dinh duong

Cân bằng cân nặng để con có sự phát triển tốt nhất

Thường xuyên tạo các trò chơi vận động, rèn luyện thể dục thể thao để tăng cường ham muốn ăn đối với con. Luôn tạo tâm lí thoải mái khi ăn, bố mẹ không nên ép buộc hay quát mắng tránh tình trạng tạo sự ám ảnh đối với mỗi bữa ăn.

 

 

Nguồn : Sức khỏe 24h