Trái khế là ‘vàng mười’ cho sức khỏe, dùng chữa bệnh thế nào là đúng?

Trái khế khá giàu các vitamin và muối khoáng như kali, photpho, magiê và các dưỡng chất quý, vị chua của axit tartaric, oxalic nên ngoài tác dụng thanh nhiệt, giải khát còn tốt cho tim mạch, mắt và ngăn ngừa mỡ máu, ung thư.

Nhiều dưỡng chất quý như “vàng mười”

ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trong đông y, khế là vị thuốc được dùng từ lâu đời. Nghiên cứu hiện đại cho thấy trong 100g khế tươi có 93,5g nước, 0,6g protid, 3,1g glucid, 2,6g xenluloza, 10mg canxi, 8mg photpho, 30mg vitamin C…

Ngoài ra, khế khá giàu các vitamin và muối khoáng như kali, photpho, magiê… Vị chua của khế không phải do vitamin C mà do axit tartaric, khế chua có nhiều axit oxalic.

Tuy giá trị bổ dưỡng của khế không nhiều nhưng lại là loại trái quý về mùa hè, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, sinh tân dịch rõ rệt. Sau khi làm việc mệt mỏi, mồ hôi ra nhiều, ăn khế thấy đỡ khát nhanh chóng vì cơ thể được bổ sung nước và muối khoáng đã bị mất theo mồ hôi. Món khế muối cũng như chanh muối đều rất thích hợp với trường hợp này.

Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết mặc dù các thành phần dinh dưỡng trong khế không quá cao nhưng lại chứa những chất quý đối với sức khỏe. Các hợp chất chống oxy hóa từ khế có tác dụng hỗ trợ quá trình thải độc tố, tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa các loại tế bào ung thư;

Hợp chất beta-carotene trong khế giúp cải thiện thị lực, kích thích vị giác, thúc đẩy quá trình trao đổi chất; Vitamin C và flavonoid dồi dào nên công dụng của khế giúp thải trừ các gốc tự do, gia tăng quá trình tổng hợp collagen, bảo vệ mạch máu. Đặc biệt hơn nữa là các tác dụng:

– Khắc tinh của cholesterol xấu: Khế chứa vitamin A và một lượng lớn chất xơ, các hợp chất quercetin, axit gallic và epicatechin đều có đặc tính chống oxy hóa mạnh cũng như khắc tinh của lượng cholesterol xấu trong cơ thể.

– Tốt cho tiêu hóa: Hàm lượng chất xơ dồi dào trong khế mang lại khả năng cải thiện, tăng nhu động ruột, hạn chế bệnh táo bón. Bổ sung khế sẽ giúp nhu động ruột hoạt động tốt, phòng ngừa chứng khó tiêu.

– Hỗ trợ sức khỏe tim mạch: Quả khế rất giàu kali giúp duy trì sức khỏe tim mạch tốt. Việc kết hợp khế với các món ăn hằng ngày là cách tốt và ít tốn kém để bảo vệ sức khỏe tim mạch.

– Tốt cho mắt: Nhiều chuyên gia dinh dưỡng nhận định rằng khế là nguồn bổ sung vitamin A tốt cho thị lực. Ăn chúng thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thể hay thoái hóa điểm vàng.

– Tăng cường hệ miễn dịch: Các vi khuẩn, vi rút, các gốc tự do, độc tố hay tế bào ung thư đều được kiểm soát tốt khi ăn khế điều độ.

Thuốc quý chữa nhiều bệnh

ThS Toàn cho biết trong đông y, khế có tác dụng chữa nhiều bệnh. Theo sách Lĩnh Nam bản thảo của Hải Thượng Lãn Ông (quyển Thượng), khế có tên Ngũ liễm tử, được dùng để chữa các bệnh gồm:

– Chữa cảm nắng, cảm nóng: Lá khế bánh tẻ tươi 100g, lá chanh tươi 40g, rửa sạch, giã vắt lấy nước uống. Bã đắp vào thái dương và gan bàn chân. Hoặc lấy một quả khế già chưa chín, nướng qua, sắc nước uống.

– Chữa lở loét, mụn nhọt: Nấu nước lá khế kết hợp với lá thanh hao, lá long não làm nước tắm, hoặc nấu nước quả khế rửa chỗ đau hằng ngày.

– Tiểu tiện không thông: Lấy một quả khế giã nát với một củ tỏi, đắp vào rốn để chữa tiểu tiện không thông. Phụ nữ sau khi sinh dùng nước sắc quả khế 20g với vỏ cây hồng bì 30g, rễ sử quân 20g, uống rất tốt.

– Sốt cao co giật: Khế 10g, lá dây đòn gánh 10g, lá ngải cứu 8g, lá nhọ nồi 8g, rễ táo rừng 6g phơi khô, sao vàng sắc uống.

– Sỏi bàng quang: Khế tươi 5 quả, mật ong lượng vừa đủ. Khế rửa sạch, thái miếng rồi cho vào nồi sắc với 3 bát nước, cô lại còn 1 bát, hòa mật ong chia uống 2 lần trong ngày. Có công dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu, đặc biệt tốt với sỏi bàng quang, viêm bàng quang.

– Chống ho, trị viêm: Mướp tươi 500g, khế 200g, đường trắng lượng vừa đủ. Mướp gọt vỏ, khế rửa sạch, thái vụn, ép lấy nước, hòa đường trắng, chia uống vài lần trong ngày.

Công dụng: hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khái, là loại đồ uống rất giàu sinh tố và các nguyên tố vi lượng, dùng làm nước giải khát mùa hè rất tốt và trị các bệnh ho, viêm và nhất là viêm đường tiết niệu.

– Ngộ độc, viêm loét chân răng: Dùng nước ép khế uống hằng ngày cung cấp lượng vitamin C khá cao cho cơ thể chống bệnh viêm loét chân răng và chữa ngộ độc. Hoặc lấy 7 trái khế, cắt lấy một miếng khoảng 1/3 phía gần cuống/mỗi quả, đổ vào một bát nước sắc còn nửa bát, uống lúc nóng.

– Bí tiểu. Lấy khoảng 7 trái khế, cắt lấy 1/3 phần cuống cho vào nấu với 600ml nước. Sắc cô đặc còn khoảng 300ml và uống lúc nước ấm. Có thể dùng thêm khế và tỏi giã nát trộn vào nhau đắp lên rốn.

– Thanh lọc phổi, tốt cho xương khớp: Lấy đường phèn cho thêm nước vào nấu sôi lên cho tan đường hoặc để cả viên. Khế chua rửa sạch gọt tai, chẻ dọc hay chẻ ngang. Tỉ lệ 1kg khế ngâm chung với 200gam đường phèn. Thêm một lớp khế sau đó đến một lớp đường hoặc cho nước đường pha sẵn.

Lưu ý, khi ngâm nên cho thêm vài lát gừng mỏng. Dùng làm nước giải khát hằng ngày.

Ngoài những công dụng như trên thì khế cũng có một số tác hại nếu sử dụng không đúng cách như:

– Tăng đường huyết: Vì lượng đường trong khế ngọt tương đối nhiều nên đối với những người đang có vấn đề về đường huyết thì sẽ không tốt cho cơ thể.

– Đau dạ dày: Không nên ăn khế trước bữa ăn vì có thể kích thích dạ dày tiết ra axit khi bụng đang đói, ảnh hưởng niêm mạc dạ dày và gây ra các bệnh lý về dạ dày.

– Gây khó tiêu: Vì hàm lượng chất xơ trong quả khế cao nên sẽ rất tốt cho hệ tiêu hóa, tuy nhiên nếu ăn quá nhiều sẽ khiến khó tiêu, đầy bụng.

– Gây sỏi thận: Khế chứa axit oxalic, với người thận yếu sẽ không đào thải được loại axit oxalic dễ dẫn đến sỏi thận.

Ai nên tránh ăn khế?

– Bệnh nhân tiểu đường thì không nên ăn khế ngọt.

– Người bị đau dạ dày không nên ăn khế chua hoặc khế ngọt (vì trong khế ngọt cũng chứa axit).

– Đối với bệnh nhân sỏi thận, axit oxalic chứa trong khế cao, là chất dễ tích tụ trong cơ thể con người, ăn khế quá nhiều trong thời gian dài dễ dẫn đến hình thành sỏi.

– Không ăn khế khi đang uống thuốc tây hoặc đông y, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

– Đối với người có cơ thể mang tính hàn, khế là một loại quả có tính lạnh, vì vậy nếu những người có tỳ vị hư hàn, dạ dày, ăn khế sẽ làm nặng thêm chứng khó tiêu và ảnh hưởng không tốt đến cảm giác thèm ăn.

– Ngoài ra, không nên ăn khế khi đói.

Nguồn : bau.vn

  • Nên uống vitamin D, sắt, kẽm…khi nào để hấp thu tối đa

    Nên uống vitamin D, sắt, kẽm…khi nào để hấp thu tối đa

    Việc bổ sung vitamin và khoáng chất đang trở thành một phần không thể thiếu trong lối sống hiện đại. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng thời điểm uống các vi chất này cũng quan trọng không kém liều lượng. Hấp thu đúng lúc sẽ giúp cơ thể tận dụng tối đa lợi ích từ mỗi viên uống, ngược lại nếu dùng sai thời điểm có thể gây lãng phí hoặc thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Công dụng tuyệt vời của nước đậu đen rang: Thức uống dân dã, lợi ích bất ngờ

    Công dụng tuyệt vời của nước đậu đen rang: Thức uống dân dã, lợi ích bất ngờ

    Trong thời đại mà các loại nước detox, trà giảm cân hay sinh tố xanh lên ngôi, thì nước đậu đen rang – một thức uống tưởng chừng rất “quê nhà” – lại đang âm thầm trở thành xu hướng mới trong giới yêu sức khỏe. Không chỉ mát lành, dễ làm, loại nước này còn ẩn chứa nhiều công dụng mà có thể bạn chưa từng nghĩ đến.
  • Độ tuổi khác nhau, nhu cầu khác biệt: Bổ sung canxi thế nào là đúng?

    Độ tuổi khác nhau, nhu cầu khác biệt: Bổ sung canxi thế nào là đúng?

    Canxi là khoáng chất thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì hệ xương chắc khỏe, đồng thời tham gia vào nhiều chức năng sống khác như co cơ, dẫn truyền thần kinh và đông máu. Tuy nhiên, nhu cầu canxi thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của cơ thể. Việc bổ sung canxi đúng cách, đúng liều lượng theo độ tuổi không chỉ giúp phát huy tối đa lợi ích mà còn tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.
  • 8 bữa sáng “thơm ngon - dáng thon” dành riêng cho team healthy

    8 bữa sáng “thơm ngon - dáng thon” dành riêng cho team healthy

    Bữa sáng không chỉ là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày mà còn là “chìa khóa” giúp bạn khởi động quá trình giảm cân hiệu quả. Một bữa sáng thông minh sẽ cung cấp năng lượng, kiểm soát cơn đói và hỗ trợ quá trình trao đổi chất. Dưới đây là 8 gợi ý bữa sáng lành mạnh, vừa ngon miệng, vừa hỗ trợ giảm cân mà bạn có thể áp dụng ngay hôm nay.
  • Những loại rau mùa hè bổ sung nước cho cơ thể tốt nhất

    Những loại rau mùa hè bổ sung nước cho cơ thể tốt nhất

    Mùa hè nắng nóng dễ khiến cơ thể mất nước, vì vậy bạn nên bổ sung các loại rau giàu nước, giúp thanh nhiệt và cung cấp khoáng chất. Dưới đây là một số loại rau tốt cho mùa hè:
  • Ăn gì để bổ sung collagen tốt nhất cho cơ thể ?

    Ăn gì để bổ sung collagen tốt nhất cho cơ thể ?

    1. Tầm quan trọng của collagen – Sức khỏe làn da: Collagen giúp duy trì độ đàn hồi và độ ẩm của da, làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn, đường nhăn nhỏ… – Sức khỏe khớp và xương: Collagen hỗ trợ sự linh hoạt của khớp và mật độ xương, giúp ngăn ngừa các tình trạng như loãng xương, viêm khớp… – Tóc và móng: Collagen góp phần vào sức mạnh và cấu trúc của tóc, móng, ngăn ngừa tình trạng móng giòn, tóc gãy. – Sức khỏe đường ruột: Collagen có thể hỗ trợ chữa lành niêm mạc ruột, thúc đẩy tiêu hóa và sức khỏe đường ruột tốt hơn. – Khối lượng cơ: Collagen đóng vai trò trong quá trình phục hồi và sức mạnh của cơ, quan trọng đối với thể lực và khả năng vận động tổng thể của cơ thể 2. Nguồn thực vật cung cấp chất dinh dưỡng tăng cường collagen tốt nhất 2.1 Sản phẩm từ đậu nành Đậu nành giàu genistein, một loại hormone thực vật thúc đẩy sản xuất collagen và cải thiện độ đàn hồi của da. Các loại thực phẩm như đậu phụ, tempeh và sữa đậu nành giàu isoflavone, giúp ức chế sự phân […]