Trẻ bị tay chân miệng: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng chống

Bệnh tay chân miệng một bệnh phổ biến thường gặp trong thời điểm giao mùa nhất là mùa nắng nóng sắp đến. Đặc biệt trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này. Bài viết dưới đây giúp cha mẹ có thêm kinh nghiệm trong cách phòng và nhận biết dấu hiệu khi trẻ bị bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng (viết tắt là HFMD) gây ra do virus cấp tính Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Bệnh có thể dễ dàng lây truyền qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng

Trẻ bị sốt cao, ngủ li bì

Sốt được xem là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm ngăn ngừa sự tấn công của tất cả các loại virus, vi khuẩn gây hại. Và sốt chính là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ.

Thông thường tùy theo thể trạng và tình hình nhiễm bệnh mà trẻ sẽ sốt nhẹ hoặc sốt cao. Trường hợp nếu trẻ bị sốt cao trên 38,5 độ mà không có dấu hiệu dứt sốt, cha mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.

Xuất hiện mẩn đỏ, vết lở loét trên da

Dấu hiệu theo của bệnh tay chân miệng chính là xuất hiện các mẩn đỏ, thậm chí bị lở loét trên lòng bàn tay, chân, trong khoang miệng, lưỡi,…

Những mẩn đỏ này có thể gây cảm giác ngứa ngáy, đau rát khó chịu khi bị vỡ ra. Để hạn chế tối đa nguy cơ bị nhiễm trùng tại vết thương bạn không cho trẻ gãi lên vết mẩn đỏ cũng như không cho trẻ cầm, ngậm những đồ chơi chưa qua xử lý sạch sẽ.

Chán ăn, mệt mỏi

Bên cạnh những triệu chứng phổ biến trên, bệnh tay chân miệng còn khiến trẻ bị đau miệng, chán ăn, cơ thể mệt mỏi. Thậm chí trẻ còn có thể bị tiêu chảy nặng.

Giật mình thường xuyên

Cha mẹ luôn phải quan sát tần suất trẻ bị giật mình có thường xuyên hay không ngay cả khi trẻ đang chơi đùa. Bị giật mình thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh.

Nếu thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu nêu trên, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay bác sĩ, hoặc cơ sở y tế uy tín để được thăm khám kịp thời. Điều này rất quan trọng, nó sẽ giúp hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ nhỏ.

tay chan mieng

Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?

Thực chất bệnh tay chân miệng là bệnh lành tính và có thể chữa khỏi tại nhà nếu ở thể nhẹ. Tuy nhiên, ở thể nặng bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Cách phòng chống bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Hiện nay, vẫn chưa có vaxin phòng bệnh tay chân miệng. Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng động cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
  • Thực hiện ăn chín, uống sôi.
  • Vệ sinh các dụng cụ ăn uống phải được rửa sạch sẽ, tốt nhất nên ngâm bằng nước sối trước khi sử dụng.
  • Đảm bảo nguồn nước sạch trong vệ sinh hằng ngày.
  • Không nhai mớm thức ăn cho trẻ.
  • Không để trẻ ăn bốc, mút tay, ngâm đồ chơi.
  • Không cho trẻ dùng chung khăn tay, các vận dụng ăn uống như cốc, chén, thìa, đũa, bát…
  • Vệ sinh các bề mặt đồ vật tiếp xúc thường xuyên như dụng cụ học tập, đồ chơi, tay vị cầu thang, tay nắm cửa, sàn nhà… bằng các chất tẩy rửa thông thường.
  • Cách ly trẻ với những người đang mắc bệnh hoặc nghi ngờ bị tay chân miệng.
  • Trong 10-14 ngày đầu khi nghi nhiễm bệnh, cha mẹ cần cách ly trẻ tại nhà, không để trẻ đến trường học hay những nơi đông người.

Nguồn : bau.vn