Chuyên gia gợi ý 9 phương pháp luyện con ngủ riêng không tốn nước mắt

Theo các chuyên gia, giai đoạn từ 4-6 tuần tuổi trẻ đã có thể tự ngủ riêng và được giám sát bởi người lớn trong quá trình ngủ. Vì vậy, bố mẹ càng cho con tự ngủ riêng sớm con càng tự tin và tự lập hơn.

Tại sao nên để trẻ ngủ riêng

Ngủ riêng đem lại rất nhiều lợi ích như giúp trẻ trở nên tự lập và giúp con có không gian để phát triển. Ngoài ra, ngủ riêng còn đảm bảo sự an toàn sức khỏe cho trẻ vì có thể giảm trên 70% nguy cơ đột tử ở trẻ nhỏ và hạn chế các bệnh lây lan qua đường hô hấp như cảm, ho từ bố mẹ. Dưới đây là 9 bí quyết luyện ngủ riêng cho trẻ giúp mẹ nhàn tênh.

ngu rieng

Chuẩn bị tinh thần cho trẻ

Khi bạn muốn trẻ ngủ riêng thì việc chuẩn bị tinh thần là vô cùng cần thiết vì đối với trẻ vì ngủ xa bố mẹ là một chuyện rất quan trọng. Hãy giải thích cho con hiểu những lợi ích của việc ngủ riêng. Mặc dù đây là một quá trình có vẻ đáng sợ nhưng nó là một phần của việc lớn lên và trẻ phải học cách vượt qua.

Để con cùng trang trí phòng ngủ riêng

Hãy để con cùng lựa chọn và trang trí phòng riêng theo ý thích: sơn tường, treo ảnh của con, tranh ngộ nghĩnh… Điều này vừa giúp cho cha mẹ và bé gần gũi lại vừa làm bé thấy yêu thích căn phòng hơn.

Hình thành những thói quen tốt

Tập cho bé những thói quen tốt như đánh răng, làm vệ sinh cá nhân, xếp gọn đồ chơi trên giường trước khi đi ngủ. Bạn cũng có thể kể cho bé nghe những câu chuyện cổ tích thú vị giúp bé dễ ngủ hơn. Tránh kể quá nhiều những câu chuyện về quái vật khiến trẻ dễ gặp ác mộng khi ngủ và không dám ngủ một mình nữa.

Tách dần trẻ ra khỏi bố mẹ

Lúc này nên luyện cho bé ngủ riêng giường. Cha mẹ nên nói chuyện an ủi để bé luôn cảm thấy an toàn và ấm áp, ban ngày để bé hoạt động nhiều, buổi tối tránh để bé quá hưng phấn. Đồng thời kể chuyện hoặc cho bé nghe những bản nhạc dịu dàng. Tránh để bé trước khi ngủ bị phấn khích hay sợ hãi khiến bé khó ngủ. Khi bé đã thuận lợi ngủ một mình cha mẹ hãy thử cho bé ngủ phòng riêng.

ngu rieng

 

Hạn chế xuất hiện bên bé

Rời khỏi phòng trước khi bé ngủ thiếp đi để giảm dần sự phụ thuộc của bé. Tạo cho bé suy nghĩ rằng bé đang lớn lên và tự lập hơn. Nếu bé lo sợ khi bạn rời đi, có thể giải thích với bé: “Bố mẹ ở ngay phòng bên cạnh thôi, nếu cần con có thể gọi mẹ”. Bạn cũng có thể mua cho bé một chiệc gối ôm hoặc gấu bông để bé có cảm giác có bạn chơi cùng, ngủ cùng.

Để ý xem con có ngủ ngoan không

Khoảng 30-45 phút sau khi bảo bé chìm sâu vào giấc ngủ, bạn có thể nhẹ nhàng mở cửa ra để xem bé có ngủ ngoan hay không. Thỉnh thoảng bạn có thể sang phòng chỉnh lại tư thế nằm thoải mái cho bé hay kéo chăn cho bé đỡ lạnh.

Thường xuyên khích lệ cổ vũ bé

Cha mẹ có thể thông qua các câu chuyện ngắn, bài hát giúp bé hiểu được ích lợi của việc ngủ riêng. Ngoài ra, cha mẹ có thể nêu ra những tấm gương, một vài người bạn đã có thói quen ngủ một mình để khích lệ và cổ vũ trẻ.

Dứt khoát với bé

Với tâm lí thương con, các bậc cha mẹ thường rất dễ mủi lòng khi thấy bé ôm gối sang phòng mình xin ngủ cùng. Nếu bạn dễ dàng “thỏa hiệp” với bé, việc rèn cho bé thói quen ngủ riêng sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.

Có phần thưởng cho bé

Nếu bé làm tốt, ngủ ngoan, bạn hãy khen ngợi kịp thời hoặc là thưởng cho bé một món đồ chơi nhỏ xinh hay một món ăn mà bé yêu thích. Bé sẽ cảm thấy được động viên và có động lực ngủ riêng.

Nguồn : bau.vn