Chắc hẳn bạn đã từng trải qua thời gian con trẻ quấy khóc về đêm mà không rõ nguyên nhân là gì. Bài viết này sẽ giải đáp cho bạn lý do và giúp bạn biết cách đối phó với tình trạng này.
Vì sao trẻ sơ sinh khó ngủ, ít ngủ?
Hầu hết trong vài tháng đầu tiên, trẻ có hiện tượng ngủ nhiều, ngủ ngon nhưng vẫn có những vấn đề về giấc ngủ vào ban đêm. Nguyên nhân của vấn đề này là do bệnh tật, mọc răng, cột mốc phát triển hoặc thay đổi thói quen. Do đó, thỉnh thoảng trẻ ngủ không ngon giấc có thể không phải là điều đáng lo ngại.
Một số trẻ sơ sinh hoặc có thể lớn hơn, gặp khó khăn trong việc phá vỡ các thói quen ngủ mà chúng yêu thích và mong đợi, chẳng hạn như được đung đưa hoặc cho ăn trước khi ngủ hoặc khi chúng thức dậy vào nửa đêm.
Đó là những lý do có thể khiến trẻ sơ sinh khó ngủ, không ngủ, ít ngủ.
Nguyên nhân trẻ quấy khóc về đêm?
1. Trẻ quấy khóc về đêm vì thay đổi môi trường và thể chất
Với những trẻ trong giai đoạn vừa lọt lòng mẹ có thể sẽ quấy khóc, khó ngủ, khóc về đêm do những thay đổi đột ngột từ môi trường trong bụng mẹ và môi trường ngoài. Sự khác nhau giữa hai môi trường khiến cơ thể non nớt của trẻ không kịp thích nghi nên sinh ra những chứng khó chịu, cáu gắt.
Trẻ dưới 2 tuổi rất khó có thể nói được những khó chịu của cơ thể hay nhu cầu của bản thân, do chưa có khả năng về ngôn ngữ. Bởi vậy, nhiều trường hợp trẻ quấy khóc có thể do cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh, trẻ bị đói, đầy bụng, đau hay tã bị ướt…
2. Trẻ khóc do yếu tố tinh thần
Hệ thần kinh ở trẻ vô cùng nhạy cảm, nhất là trong thời kỳ mới chào đời. Những tác động thông thường như ánh sáng, độ sáng của môi trường ngủ vào ban ngày cũng có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Đôi khi trẻ bị giật mình vào ban đêm không nhìn thấy điều gì trong bóng tối gây ra sợ hãi, từ đó quấy khóc để tìm kiếm sự an ủi. Hoặc cũng có thể trẻ thức do gặp ác mộng hay những buồn bực còn vương lại từ ban ngày, hay do ban ngày vui chơi quá phấn khích. Lúc đó, cha mẹ cần phải ở bên cạnh ôm chặt và vỗ về để trẻ có cảm giác an toàn và yên tâm để trở lại giấc ngủ.
3. Trẻ quấy khóc về ban đêm do bệnh lý
Trẻ không thể nào nhận thức được những căn bệnh của bản thân và không có ngôn ngữ giao tiếp, do đó những bất thường hay khó chịu thì triệu chứng đầu tiên nhận biết chính là trẻ quấy khóc. Một số bệnh về đường tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, co thắt vùng bụng… có thể sẽ khiến trẻ khóc nhiều hơn. Một số biểu hiện đi kèm với khóc là trẻ trằn trọc, khó chịu hay khóc to hơn khi chạm vào vùng bụng, trẻ co rút người.
Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa của trẻ phát triển chưa hoàn thiện, nguồn dinh dưỡng chủ yếu là từ sữa mẹ. Khi khẩu phần ăn của mẹ thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hóa của trẻ. Nhiều loại thực phẩm như trứng, sữa, lúa mì, các loại ngũ cốc… có thể khiến trẻ bị đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón gây khó chịu với hệ tiêu hóa của trẻ. Nếu trẻ bú sữa mẹ xong, xuất hiện các triệu chứng như nôn ọe, tiêu chảy, không chịu bú thì mẹ nên chú ý thay đổi khẩu phần ăn hay thay đổi sữa đối với trẻ đang uống sữa công thức.
Cha mẹ cần làm gì?
Trước tiên nếu gặp tình trạng trên, cha mẹ cần phải bình tĩnh và nhanh chóng tìm hiểu vì sao trẻ lại khóc? Nếu trường hợp trẻ khóc do những bất thường của cơ thể như sốt, đói, no, lạnh, nóng, ngủ mơ, ác mộng,… thì bạn chỉ cần tìm cách khắc phục để trẻ cảm thấy dễ chịu và sẽ ngừng khóc.
Mỗi khi con quấy khóc vào ban đêm, mẹ nên ẵm con vào ngực để trẻ ngửi thấy mùi cơ thể mẹ, tạo cảm giác an toàn cho trẻ tiếp tục đi vào giấc ngủ.
Giữ gìn vệ sinh chăn ga gối và đảm bảo môi trường xung quanh bé ngủ phải sạch sẽ, yên tĩnh.
Cha mẹ không nên để trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày khiến buổi đêm trẻ khó ngủ.
Trẻ hay quấy khóc về đêm thật sự không phải là điều dễ dàng với các bậc cha mẹ, đặc biệt với những gia đình lần đầu sinh con. Nếu cảm thấy bản thân còn khó khăn trong việc chăm sóc con, bạn có thể liên hệ với bác sĩ để tư vấn.
Nguồn : bau.vn