Chiều 3/9, tại cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội, công an Hà Nội đã có kế hoạch cấp giấy đi đường trong giai đoạn giãn cách mới.
Theo đó, người đi mua lương thực, thực phẩm thuộc nhóm đối tượng số 5 được cấp giấy phép đi đường. Cơ quan thẩm quyền cấp giấy là công an phường, xã, thị trấn.
Quy trình cấp giấy phép cho người dân đi chợ, đi siêu thị mua lương thực, thực phẩm
Bước 1: Cảnh sát khu vực lập danh sách các hộ gia đình theo địa bàn xã/phường/thị trấn quản lý;
Bước 2: Gửi danh sách cho cán bộ xã/phường/thị trấn để xét duyệt hoặc từ chối duyệt.
Bước 3: Cán bộ xã/phường/thị trấn gửi lại thẻ đi chợ, siêu thị được duyệt cho Công an xã/phường/thị trấn đóng dấu xác nhận.
Bước 4: Cảnh sát khu vực gửi lại Thẻ đi chợ, siêu thị đã được duyệt, đóng dấu cho đại diện hộ gia đình theo địa bàn quản lý.
Người dân ở “vùng đỏ” chỉ được đi 2 lần/ tuần, đặt hàng online ship trong quận.
Ở “vùng đỏ”, khu cách ly, phong tỏa UBND địa phương xây dựng Phương án cung ứng hàng hóa, các nhu yếu phẩm cho người dân. Người dân được UBND quận/huyện thực hiện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán. Còn mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến, các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận/huyện. Đặc biệt, đặt online chỉ ship trong quận.
3 phân vùng theo hình thức giãn cách mới
Từ ngày 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9, Hà Nội sẽ thực hiện giãn cách theo hình thức mới, bao gồm:
Phân vùng 1: Là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hiện là “vùng đỏ”, nhiều đối tượng nguy cơ cao.
Gồm 15 đơn vị hành chính: Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai. Một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín (sơ đồ kèm theo).
Phân vùng 2: Phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với Vùng 1. Toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Phân vùng 3: Vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Chủ yếu được chia bởi sông Nhuệ, sông Đáy, toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần còn lại của 5 quận/huyện của Phân vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Xem bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 trên địa bàn Hà Nội tại: https://covidmaps.hanoi.gov.vn/
Dự kiến 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường
Nhóm 1: Các cá nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan Đảng, nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội các cấp; cá nhân thực hiện công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ công vụ, trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác được được quy định tại Chỉ thị 16.
Nhóm này còn bao gồm cá nhân làm việc tại cơ quan, tổ chức ngoại giao, gồm: Cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế. Các đối tượng này thực hiện theo thông lệ quốc tế, thông lệ ngoại giao quy định.
Nhóm 2: Cá nhân thực hiện nhiệm vụ công tác, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, bao gồm: Cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công thiết yếu.
Nhóm 3: Cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; cá nhân khác được huy động tham gia hỗ trợ chống dịch tại các quận, huyện, thị xã.
Nhóm 4: Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông phục vụ các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao; phục vụ đưa tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP; phóng viên, biên tập viên trực tiếp thực hiện tuyên truyền công tác phòng chống dịch; cán bộ thực hiện trực cơ quan.
Nhóm 5: Công dân của các trường hợp: Người thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc như đi cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ, tiêm vắc xin và xét nghiệm Covid-19, người chăm sóc người bệnh và người xuất viện. Đối tượng này chỉ cần giấy chứng minh và chứng minh thư/căn cước công dân.
Nhóm 6: Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ công vụ, công ích thiết yếu.
Đối với nhóm đối tượng 1,3,4,5 quy trình cấp giấy đi đường như trên.
Đối với nhóm đối tượng 2,6 quy trình cấp giấy đi đường gồm 4 bước:
Bước 1: Các tổ chức, cá nhân liên hệ gửi hồ sơ cấp giấy đi đường về cơ quan chủ quản có liên quan (Sở Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng…).
Bước 2: Cơ quan chủ quan căn cứ đối tượng được quy định đồng ý hoặc không đồng ý, gửi mail cho tổ chức cá nhân, gửi hồ sơ về Công an Thành phố.
Bước 3: Công an TP chuyển giấy đi đường về cơ quan chủ quản.
Bước 4: Cơ quan chủ quản chuyển giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân.
Nguồn : bau.vn