Việc chuẩn bị cho các bé một hệ miễn dịch vững vàng ngay từ những ngày đầu tiên là một điều hết sức cần thiết. Một trong những mũi tiêm đầu đời là tiêm vắc xin 6 trong 1 vô cùng quan trọng. Bài viết này của Bau.vn giúp cha mẹ hiểu hơn về mũi tiêm này nhé!
Mũi tiêm vắc xin 6 trong 1 là gì?
Đây là loại vắc xin dạng phối hợp, một mũi tiêm bao gồm nhiều loại tác dụng cùng một lúc.
Trong đó bao gồm 6 bệnh truyền nhiễm:
- Vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae)
- Virus viêm gan B (HBV)
- Virus bại liệt (Poliovirus)
- Trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani)
- Virus gây bệnh ho gà (Bordetella pertussis)
- Vi khuẩn Hib – Haemophilus influenzae type B (“kẻ đứng sau” các bệnh viêm phổi, viêm màng não ở trẻ em).
Mũi tiêm chủng ngừa này bạn có thể đã bắt gặp một loại tương tự mũi vắc xin 5 trong 1 như Quinvaxem (không có virus bại liệt) hay Pentaxim (không có HBV).
Tuy nhiên, vắc xin 6 trong 1 có 3 điểm khác biệt như:
- Vắc xin 6 trong 1 được sử dụng trong chương trình tiêm dịch vụ
- Sử dụng kháng nguyên của ho gà vô bào thay vì nguyên trạng tế bào như trong dòng thuốc 5 trong 1, nên ít tác dụng phụ hơn.
- Vì là 6 trong 1 nên bạn có thể giảm số mũi tiêm trong lịch tiêm chủng mở rộng cho bé.
Thành phần chính và cách hoạt động của vắc xin 6 trong 1
Ngoài thành phần chính của một vắc xin là các kháng nguyên của 6 loại bệnh truyền nhiễm ra, thuốc tiêm ngừa còn chứa một số các thành phần khác như:
Các thành phần đi kèm của vắc xin 6 trong 1 cụ thể là
- Muối Natri Clorua (cấu trúc giống phân tử muối ăn)
- Nhôm (Al) – Có vai trò bổ sung và kéo dài các đáp ứng của cơ thể với vaccine
- Đường Lactose hoặc môi trường M199 – Cả hai có vai trò chất ổn định môi trường chứa vaccine. M199 chứa các thành phần gồm các axit amin, vitamin và khoáng chất.
Cách thức hoạt động
Khi vắc xin 6 trong 1 đi vào cơ thể, một lượng kháng nguyên được đưa vào máu và di chuyển trong các động mạch trong cơ thể.
Sau đó, các tế bào của lực lượng miễn dịch tiếp nhận những kháng nguyên “lạ” này, chúng sẽ bắt đầu hình thành phản ứng tương tự như khi cơ thể đang nhiễm những loại bệnh này. Tuy nhiên, các phản ứng này cần được nhắc lại theo đúng lịch trình để duy trì chất lượng và độ “mạnh” của hệ miễn dịch.
Khi nào nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin 6 trong 1?
Theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y Tế nhấn mạnh việc dùng vắc xin như tấm khiên bảo vệ các thiên thần nhỏ.
Trong đó, cụ thể là khi các bé 8 tuần tuổi thì sẽ được chủng ngừa các nhóm bệnh truyền nhiễm như bại liệt, ho gà, Hib, HBV… trong các vắc xin nhiều mũi trong một.
Liệu trình tiêm vắc xin ngừa 6 bệnh với mũi vắc xin dạng phối hợp được khuyến cáo thực hiện với 4 mũi tiêm.
- 3 mũi đầu tiên có mốc thời gian dễ nhớ là tháng thứ 2 thứ 3 và thứ 4 sau khi con cất tiếng khóc chào đời. Mỗi mũi cách nhau 1 tháng.
- Mũi thứ 4 được nhắc lại lúc trẻ 18 tháng tuổi và không được quá 24 tháng (nghĩa là không quá 2 tuổi là phải tiêm xong)
Những phản ứng sau khi tiêm
Các phản ứng này không xảy ra ở hầu hết các trẻ, nhưng thường chỉ là những biểu hiện thoáng qua và sẽ tự hết trong một thời gian ngắn sau tiêm.
Một số phản ứng sau tiêm vaccine phổ biến là:
- Nôn ói
- Cáu bẳn, dễ quấy
- Trẻ ăn không ngon miệng
- Da trẻ tại chỗ tiêm sẽ sưng đỏ, đau, tình trạng này có thể kèm theo sốt. Hiện tượng này thường sẽ dễ gặp ở mũi thứ 2 và thứ 3 hơn các mũi khác.
- Ngoài ra trẻ có thể có rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy
Trẻ nào không nên tiêm vắc xin 6 trong 1?
Phần đông trẻ sơ sinh đều không có chống chỉ định với loại thuốc chủng ngừa 6 trong 1 này. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp sẽ được trì hoãn hoặc các bác sĩ sẽ tư vấn để thay đổi loại thuốc để phù hợp với trẻ hơn, có thể kể đến là:
- Trẻ bị dị ứng hay quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc chủng ngừa
- Trẻ trong tình trạng không ổn định tại thời điểm chuẩn bị tiêm như sốt, có bệnh khác đang được điều trị…
- Trẻ có các rối loạn về động kinh chưa ổn định hay co giật do sốt sẽ được tham vấn với các bác sĩ nhi khoa để có sự chuẩn bị tốt hơn
Tiêm chủng là một trong những lá chắn quan trọng cho con trước những hiểm nguy rình rập. Bên cạnh việc chủng ngừa đúng lúc, bố mẹ còn có thể giúp con tăng cường hệ miễn dịch bằng thực phẩm, và vận động thể dục phù hợp với những trẻ lớn hơn nữa đấy. Hãy cùng con chuẩn bị để luôn khỏe mạnh, nhất là trong mùa dịch nhé!
Nguồn : bau.vn