Các sản phẩm sữa tắm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ngày nay vô cùng nhiều và đa dạng. Nhưng các sản phẩm đó có thể sẽ chứa những thành phần khiến trẻ bị dị ứng. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ lựa chọn các loại lá tắm dân gian cho bé vừa dễ kiếm mà lại an toàn.
Hầu hết các loại lá tắm trị được các bệnh ngoài da như: rôm sảy, mề đay, ngứa, hăm tã, khô da,… Đặc biệt, an toàn cho làn da nhạy cảm của trẻ.
1. Lá khế
Theo y học cổ truyền, lá khế có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, giảm ngứa rất hữu dụng điều trị các bệnh ngoài da. Theo nhiều chia sẻ lá cây khế chua sẽ có hiệu quả tốt hơn lá cây khế ngọt. Tuy nhiên, lá khế mang mùi đặc trưng nên nhiều mẹ sẽ cảm giác hơi khó chịu.
*Cách thực hiện:
Lấy 1 nắm lá khế loại bỏ lá sâu rồi rửa với nước sạch. Tiếp tục ngâm với nước muối loãng khoảng 2 phút rồi rửa lại lần nữa và để ráo nước.
Cho khoảng 1,5 – 2 lít nước vào nồi rồi cho lá khế. Đun đến khi sôi thì cho nhỏ lửa, tiếp tục để 5 – 7 phút sau đó tắt bếp. Lấy rây lọc bỏ lá khế ra khỏi nồi.
Mẹ dùng nước lá khế đã nấu pha cùng nước sạch đã đun sôi với độ ấm phù hợp để tắm cho bé. Trong trường hợp muốn dùng nước lá khế đậm đặc để tắm thì cần đợi nhiệt độ giảm còn 38°C. Lưu ý, mẹ cần tắm cho trẻ bằng nước ấm trước rồi mới tắm bằng nước đậm đặc.
2. Lá ngải cứu
Lá ngải cứu là một phương thuốc dân gian được rất nhiều người lựa chọn. Không những trị được các vấn đề ngoài da cho trẻ mà ngải cứu còn trị được cảm mạo, ho, cầm máu,…. Tắm lá ngải cứu còn cho trẻ cảm giác ấm áp hơn vào mùa đông.
*Cách thực hiện:
Dùng 1 nắm ngải cứu đã nhặt hết lá sâu, hỏng. Rửa thật sạch rồi thái nhỏ khoảng 2cm
Chuẩn bị khoảng 5 lít nước rồi cho lá ngải cứu đã thái vào. Nước sôi cho lửa nhỏ đến khi nước đổi sang màu vàng.
Mẹ nên chuẩn bị thêm nước sạch đã đun sôi hòa với nước ngải cứu (có thể cho thêm ít muối). Dùng khăn nhúng nước lau người cẩn thận cho bé rồi tắm tráng lại một lượt trước khi lau người. Chú ý nước có nhiệt độ vừa phải và không tắm cho trẻ buổi tối.
3. Lá trầu không
Trầu không là một loại cây thuộc họ hồ tiêu. Loại lá này có vị cay nồng, tính sát khuẩn cao nên thường hay được sử dụng nấu nước tắm. Đây là loại thảo dược “hiếm có dễ tìm” có tác dụng giảm ngứa, sưng tấy, khử mùi hôi, chống dị ứng,…
*Cách thực hiện:
Dùng khoảng 10 lá trầu không rửa sạch rồi thái sợi nhỏ.
Lấy 2 lít nước sạch đun sôi rồi cho lá trầu đã thái vào. Đun 10 phút đến khi nước trầu tiết ra hết sau đó tắt bếp. Dùng rây loại bỏ lá trầu.
Dùng một chậu nước sạch đã đun sôi pha thêm nước trầu, chú ý nhiệt độ phải vừa phải. Tắm hoặc lấy khăn lau cẩn thận xung quanh người cho bé. Nước trầu không thích hợp tắm vào mùa đông vì có thể giữ ấm cho trẻ tốt hơn.
4. Lá kinh giới
Lá kinh giới thường hay được gọi là rau thơm dùng ăn kèm trong mỗi bữa ăn. Bên cạnh đó, nó còn là một loại thảo dược nhiều người dùng lấy nước tắm giúp kháng khuẩn, chống viêm và làm sạch da rất tốt cho trẻ nhỏ.
*Cách thực hiện:
Sử dụng một lượng vừa đủ rửa sạch, loại bỏ các lá sâu hỏng.
Dùng máy xay hoặc cối giã, chắt bỏ bã lá giữ lấy nước.
Hòa nước đã đun sôi với nước kinh giới để đạt nhiệt độ khoảng 35 – 38°C thì dùng khăn lau người cẩn thận cho bé. Chú ý lau nhẹ nhàng từng bộ phận để không bỏ sót hoặc làm bé khó chịu. Tắm tráng lại một lần bằng nước sạch rồi lau người bé cho khô ráo.
5. Lá đinh lăng.
Theo y học cổ truyền đinh lăng là loại cây chữa được nhiều bệnh khác nhau; từ lá, thân, cành, rễ đều là phương thuốc chữa bệnh. Đối với trẻ nhỏ nấu nước đinh lăng tắm có thể trị được vấn đề đổ mồ hôi trộm và các bệnh ngoài da.
*Cách thực hiện:
Lựa lá đinh lăng vừa phải không già hay non quá với số lượng vừa đủ. Rửa thật sạch rồi ngâm với nước muối khoảng 15 – 20 phút để ráo nước.
Cho lá đinh lăng vào nồi chứa khoảng 2 lít nước đun tới khi nước chuyển màu xanh rồi lọc bỏ bã lá.
Lấy nước sạch đã đun sôi hòa cùng nước đinh lăng đợi nước nguội bớt rồi dùng tắm cho trẻ. Chú ý không để nước nóng quá hay lạnh quá.
Tuy tắm lá mẹ cần phải chuẩn bị mất thời gian nhưng có lợi cho làn da của bé yêu rất nhiều. Các mẹ hãy sử dụng cây lá vườn nhà để an toàn cho bé nhé.
Nguồn : bau.vn