6 lợi ích của vitamin B3 đối với sức khỏe bà bầu

Khoảng 60% bà bầu bị thiếu vitamin B3, tình trạng này rất đáng báo động bởi lợi ích của vitamin B3 là giảm nguy cơ sảy thai và dị tật bẩm sinh.

Trong thời gian mang thai, dinh dưỡng là vấn đề mà bà bầu cần phải hết sức lưu ý để đảm bảo bé cưng trong bụng tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh. Vitamin B3, hay còn được gọi là niacin, là loại vitamin rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của bé. Không những vậy, vitamin này còn có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ sẩy thai và dị tật bẩm sinh

Vitamin B3 (Niacin) là gì?

Vitamin B3 hay niacin là một trong những chất dinh dưỡng cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe con người. Khi được hấp thu vào cơ thể, vitamin B3 sẽ được chuyển đổi thành NAD (nicotinamide adenine dinucleotide), một dưỡng chất có tác dụng rất lớn trong việc chuyển hóa chất béo, carbohydrate, protein để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Không những vậy, vitamin B3 còn giúp hỗ trợ sửa chữa ADN, kết nối tế bào và tổng hợp các axit béo.

Vai trò của vitamin B3 đối với phụ nữ mang thai

Vitamin B3 là chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với phụ nữ mang thai bởi dưỡng chất này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thai nhi tăng trưởng và phát triển đúng cách. Dưới đây là một số lý do tại sao việc bổ sung vitamin B3 lại quan trọng đối với phụ nữ mang thai:

vitamin B3

  • Ngăn ngừa sẩy thai và dị tật bẩm sinh: Theo nghiên cứu, vitamin B3 có thể kích thích cơ thể tạo ra chất nicotinamide adenine dinucleotide (NAD) để hỗ trợ sửa chữa ADN, kết nối tế bào đồng thời sản xuất năng lượng. Nhờ vậy, nó có tác dụng phòng chống sẩy thai và dị tật bẩm sinh ở thai nhi
  • Cần thiết cho sự phát triển của não bộ: Niacin là dưỡng chất rất cần thiết cho sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của bé.
  • Cung cấp năng lượng cho cơ thể: Vitamin B3 đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất béo, protein, carbohydrate để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
  • Tốt cho da và các cơ quan khác: Mẹ bầu bổ sung vitamin B3 đầy đủ trong thời gian mang thai sẽ có làn da khỏe mạnh, tươi sáng, đồng thời cũng giúp cải thiện chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Giảm buồn nôn và cải thiện tiêu hóa: Vitamin B3 có thể giúp điều trị ốm nghén và hỗ trợ tiêu hóa.
  • Giảm chứng đau nửa đầu: Vitamin B3 có tác dụng giảm chứng đau nửa đầu

Bà bầu nên hấp thu bao nhiêu vitamin B3 mỗi ngày?

Theo khuyến cáo, mỗi ngày, phụ nữ mang thai nên bổ sung khoảng 18mg đến 35mg vitamin B3. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý là không hấp thu quá 35mg vitamin B3 mỗi ngày nhé.

Ngoài vitamin B3, bà bầu nên bổ sung những vitamin nào khác?

vitamin B3

  • Vitamin A: Đây là dưỡng chất rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của các tế bào, xương, da, mắt (đặc biệt cần thiết cho khả năng nhìn vào ban đêm), răng và hệ miễn dịch. Bạn có thể bổ sung vitamin A từ các sản phẩm từ sữa, cải bó xôi, cải xoăn, rau xanh, cam và củ màu vàng (ví dụ như cà rốt, bí đỏ, khoai lang, bí ngô), tiêu đỏ, bột yến mạch, dưa hấu, xoài và mơ.
  • Vitamin B2: Dưỡng chất này có tác dụng giải phóng năng lượng từ chất béo, protein (chất đạm) và tinh bột. Không những vậy, nó còn thúc đẩy sự phát triển não của thai nhi. Lượng vitamin B2 được khuyên dùng trong thời gian mang thai là 1,4 mg/ngày. Bạn sẽ có thể tìm thấy vitamin B2 trong gan, sữa, sữa chua, phô mai, trứng, thịt gà, nấm, đậu Hà Lan và các loại đậu khác.
  • Axit folic: Đây là một vitamin nhóm B rất cần thiết trong việc ngăn ngừa các khuyết tật thần kinh của bào thai trong thời gian đầu thai kỳ. Các nghiên cứu cho thấy thiếu axit folic trong những tháng đầu của thai kỳ là nguyên nhân gây ra khoảng 70% các khuyết tật ống thần kinh. Đặc biệt, axit folic còn giúp giảm nguy cơ chậm phát triển phôi thai, giúp tăng cân nặng của em bé lúc sinh và giảm nguy cơ sinh non ở người mẹ. Mỗi ngày, bạn cần hấp thu khoảng 600 microgram axit folic trước và trong khi mang thai.

Vitamin B3 là chất dinh dưỡng thiết yếu cho phụ nữ mang thai để đảm bảo bé cưng tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, dù vậy, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung dưỡng chất này để biết mình nên bổ sung bao nhiêu là phù hợp.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng