Bài viết dưới đây của bau.vn sẽ liệt kê một số dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ mà bố mẹ cần nhớ kỹ.
Tìm hiểu về bệnh tay chân miệng ở trẻ
Tay chân miệng là dạng bệnh lây nhiễm, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là virus coxsackievirus A16 và enterovirus 71, 2 loại virus sống trong đường tiêu hóa và lây bệnh từ người sang người qua các tiếp xúc thông thường. Bệnh tay chân miệng có 2 thể:
- Bệnh do virus coxsackievirus A16 gây ra là thể nhẹ, trẻ có thể tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị.
- Bệnh do virus enterovirus 71 là thể nặng, sẽ rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Phần lớn trẻ nhỏ mắc bệnh có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên một trẻ gặp phải biến chứng nguy hiểm với các triệu chứng chuyển biến nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Trong trường hợp ấy, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
Bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở giai đoạn đầu thường có các triệu chứng tương tự như bệnh cúm. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, sốt từ 38-39°C và đau cổ họng. Sau đó 1-2 ngày, cơ thể bé sẽ xuất hiện bóng nước trên da, quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay và bàn chân, mông hoặc xung quanh hậu môn. Đây là những dấu hiệu bệnh tay chân miệng thể nhẹ. Khi phát hiện, bố mẹ nên ngay lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn điều trị phù hợp.
Ngoài những dấu hiệu trên, có 6 dấu hiệu cho thấy trẻ mắc tay chân miệng thể nặng với những biến chứng cực kỳ nguy hiểm.
1. Trẻ quấy khóc dai dẳng kéo dài
Quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ là một dấu hiệu của bệnh tay chân miệng. Trẻ có thể chỉ ngủ trong 15 đến 20 phút rồi lại thức dậy quấy khóc. Nhiều cha mẹ lầm tưởng bé khóc là do các vết lở trong miệng. Thực tế thì đây có thể là tình trạng nhiễm độc thần kinh giai đoạn sớm do bệnh tay chân miệng gây ra.
2. Dấu hiệu bệnh tay chân miệng: Sốt cao liên tục không hạ
Nếu trẻ sốt cao trên 38,5°C và thời gian sốt kéo dài hơn 48 giờ không hạ dù đã được cho uống paracetamol theo đúng liều lượng quy định thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ có nguy cơ bị nhiễm độc thần kinh. Lúc này cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế ngay để được điều trị bằng thuốc hạ sốt liều cao.
3. Giật mình
Giật mình là một trong những biểu hiện phổ biến của nhiễm độc thần kinh. Biểu hiện này có thể xảy ra ngay cả khi trẻ đang chơi. Bố mẹ cần quan sát xem tần suất của tình trạng này có tăng lên theo thời gian hay không.
4. Trẻ đi tiểu ít
Tiểu ít là một dấu hiệu nhận biết sớm của bệnh tay chân miệng thể nặng ở trẻ. Đây là biểu hiện của tình trạng rối loạn huyết động, tụt huyết áp, suy thận. Trong trường hợp này, bố mẹ nên quan sát và đánh giá lượng nước tiểu hàng ngày của trẻ bằng cách thu thập nước tiểu vào các dụng cụ có thể đo lường như chai nhựa để có thể can thiệp và xử lý kịp thời.
5. Khó thở
Đây có thể là một biểu hiện của suy tim, rối loạn huyết động… Để phát hiện trẻ khó thở, bố mẹ hãy quan sát các dấu hiệu co rút cơ hô hấp ở mũi, trẻ thở khó nhọc, thở nhanh hơn bình thường, cánh mũi phập phồng…
6. Trẻ có biểu hiện rối loạn ý thức
Rối loạn ý thức là một trong những triệu chứng cần đặc biệt lưu ý bởi đây có thể là biểu hiện của viêm não, huyết áp thấp… Bố mẹ cần phát hiện sớm bằng cách quan sát xem trẻ có các biểu hiện như ngủ gà, chậm chạp, loạng choạng hay không.
Nguồn : bau.vn