Nhiều cha mẹ chỉ quan tâm đến việc trẻ có tăng cân đều hay không, mà quên dạy trẻ phải có trách nhiệm với những việc mình đã làm. Đôi khi, cha mẹ quan niệm trẻ còn nhỏ và không nên quá gay gắt về vấn đề này. Đó là quan niệm sai lầm, bởi đó không phải là đức tính vốn sẵn có, mà cần rèn luyện qua từng năm tháng, từ khi còn nhỏ. Hãy tập cho con làm những việc nhỏ dưới đây để rèn luyện đức tính này nhé!
1. Dạy trẻ có trách nhiệm bằng cách để con tự dọn dẹp
Khi con bày đồ chơi ra khắp nhà để chơi hay làm đổ sữa ra sàn, hãy để con tự dọn dẹp và dạy con về cách chịu trách nhiệm về việc mình đã làm. Thay vì tức giận, hãy hướng dẫn cho con cách tự dọn dẹp đồ chơi, cách lau sàn nhà bẩn. Chẳng hạn, bạn có thể lấy giúp con giỏ đựng đồ chơi, đưa cho con tấm vải để lau sữa bị đổ…
Như thế, dần dần về sau trẻ sẽ hình thành thói quen có trách nhiệm với việc mình làm như tự biết dọn đồ chơi, xếp gọn đồ nếu con bày bừa…
2. Cha mẹ là tấm gương về việc sống có trách nhiệm
Cha mẹ chính là tấm gương để trẻ noi theo, vì con trẻ bị ảnh hưởng bởi môi trường giáo dục gia đình phần lớn. Chúng thường bắt chước hành động của cha mẹ, vậy nên hãy là tấm gương tích cực giúp con sống có trách nhiệm. Nếu con thấy bạn hay giúp đỡ người khác, biết sống có trách nhiệm với gia đình, con cái thì con cũng có thể sẽ có thói quen này.
3. Dạy trẻ có trách nhiệm bằng cách giao việc nhà phù hợp với độ tuổi
Trẻ nhỏ có thể tự cất đồ chơi sau khi chơi xong, từ 5 tuổi trở đi trẻ có thể tự gấp chăn màn mỗi khi ngủ dậy. Đến khi học tiểu học trẻ có thể biết làm các công việc nhà nhẹ nhàng như quét nhà, dọn bàn ăn. Nếu bạn làm hết cho trẻ hoặc không để trẻ làm việc nhà đúng với lứa tuổi thì ngày càng khiến trẻ lười biếng và không muốn làm việc gì.
4. Khi con đề nghị giúp đỡ, bạn hãy đồng ý
Có những việc mà bạn tự làm sẽ nhanh hơn là có con giúp đỡ nhưng nếu con chủ động đề nghị thì bạn hãy cứ vui vẻ chấp nhận. Điều này giúp con thấy mình có ích và sẽ hài lòng khi giúp đỡ người khác. Đây cũng là một cách tốt để bạn gắn kết với con cái đồng thời dạy con biết giúp đỡ người khác.
5. Dạy trẻ có trách nhiệm bằng cách ghi nhận và tán dương những nỗ lực của con
Khi con làm được việc tốt bạn đừng ngại dành tặng lời khen ngợi và cảm ơn đến con, vì đó là diễn biến tâm lý chung của con người. Ngay cả khi con không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì bạn cũng nên ghi nhận những nỗ lực, sự cố gắng của con và khuyến khích con làm tốt hơn vào lần sau.
6. Cho con biết rằng ai cũng mắc sai lầm
Theo các tiến sĩ tâm lý học Kate Roberts thì “trẻ em ở độ tuổi này không hiểu rằng ai cũng đều mắc sai lầm”, do đó khi con mắc sai lầm, bạn hãy bình tĩnh và cùng giúp con vượt qua sai lầm đó. Đừng vội vàng chỉ trích hay phạt con khi chưa nghe câu chuyện của con, điều đó sẽ làm con thu mình và không dám làm những chuyện tiếp theo.
Nguồn : bau.vn