Giấc ngủ của trẻ
Giấc ngủ là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của trẻ. Trẻ em dưới 3 tháng tuổi có thời gian ngủ gấp đôi người lớn. Thông thường trẻ sơ sinh ngủ từ 16-18 giờ mỗi ngày. Các bé thường có giấc ngủ ngắn nối tiếp nhau từ ngày đến đêm, mỗi giấc ngủ ngắn từ 2 đến 4 giờ. Những giấc ngủ ngày có vai trò quan trọng không kém so với giấc ngủ đêm của trẻ.
Mỗi trẻ sơ sinh có một cách ngủ khác nhau và chu kỳ khác nhau. Trung bình các bé sẽ ngủ các giấc ngắn hai tiếng vào ban ngày và giấc bốn đến sáu tiếng vào ban đêm. Khi bé càng lớn giấc ngủ ngày sẽ dần được rút ngắn hơn.
Từ 6 đến 8 tuần tuổi, ban ngày bé sẽ chỉ ngủ từ ba đến bốn giấc. Từ ba tháng đến một năm tuổi, thời gian ngủ ban đêm tăng lên và gấp đôi thời gian ngủ ngày.
Khi trẻ hơn sáu tháng tuổi, giấc ngủ tối sẽ kéo dài 10 đến 12 tiếng, giấc ngủ ngày chỉ kéo dài tầm một tiếng.
Lý do trẻ ngủ ngày không sâu giấc
Mỗi trẻ tùy vào thói quen sinh hoạt mà có thời gian ngủ khác nhau. Không phải bé nào cũng có thời gian cố định. Những giấc ngủ ngày không sâu và không đủ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nếp sinh hoạt của con. Một số lý do phổ biến của vấn đề này:
- Thói quen ngủ không tốt: Nhiều bố mẹ có thói quen cho trẻ ngủ trong xe đẩy hoặc võng, ghế. Thậm chí nhiều trẻ phải đung đưa thì mới ngủ được. Bố mẹ hãy cố gắng cai dần những thói quen này, để trẻ ngủ cố định trong nôi giúp con quen hơn.
- Thời gian biểu chưa ổn định: Nhiều trẻ do ảnh hưởng bởi nếp sinh hoạt của bố mẹ nên giấc ngủ không nhất quán. Nếu mẹ thay đổi thời gian ngủ ngày, bé sẽ khó đi vào giấc ngủ hơn.
- Trẻ chưa mệt và buồn ngủ: Khi trẻ chưa buồn ngủ mà bố mẹ cố ép con ngủ sẽ khiến bé cáu gắt, khó chịu, la khóc.
- Một số tác động khác: Phòng quá sáng hay nhiều tiếng ồn là một lí do khiến trẻ ngủ ngày không sâu giấc. Bên cạnh đó, bố mẹ cần kiểm tra tã, bỉm và trang phục bởi sự bí nóng có thể gây khó chịu cho con.
Một số phương pháp giúp trẻ ngủ ngày ngon giấc
Việc duy trì các phương pháp giúp trẻ ngủ ngày sâu giấc là một điều quan trọng. Đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh để tạo thói quen ngủ cố định, phù hợp.
1. Nhận biết dấu hiệu buồn ngủ của trẻ
Thông thường các bé khi buồn ngủ đều có các dấu hiệu nhận biết. Trẻ có thể ngáp, dụi mắt hoặc quấy khóc, bỏ chơi. Bố mẹ không nên bỏ qua những tín hiệu và thời gian này. Hãy sẵn sàng cho giấc ngủ của trẻ ngay sau khi thấy những biểu hiện trên.
2. Duy trì thời gian ngủ ngày cố định cho trẻ
Sự thống nhất thời gian cho con là một điều quan trọng. Hãy cố gắng cho trẻ đi ngủ vào cùng một thời gian mỗi ngày. Điều này có thể tạo thành thói quen, giúp con ngủ sâu giấc hơn. Mẹ hãy cố gắng thiết lập những thói quen sinh hoạt hàng ngày cho bé. Ví dụ, sau giờ ăn và chơi hãy cho bé ngủ 1-2 tiếng. Bên cạnh đó việc hát ru, đọc truyện, tắm mát… cũng giúp bé phản xạ tự nhiên dễ chìm vào giấc ngủ ngày hơn.
3. Giúp trẻ thoải mái khi ngủ
Đối với các giấc ngủ ngày, mẹ có thể kiểm soát được môi trường mà bé đang nằm. Mẹ không nên để phòng quá sáng, nhiều tiếng ồn mà nên chọn không gian yên tĩnh. Không nên cho con mặc đồ quá nóng dày gây bí. Hãy chọn loại bỉm, tã và quần áo mỏng nhẹ. Bố mẹ nên cho trẻ ngủ ngày ở chỗ thường ngủ tối. Điều đó giúp giấc ngủ có sự thống nhất và liên kết hơn.
Nếu trẻ “phá luật”, đừng quá lo lắng mà giúp con ổn định đi vào giấc ngủ. Nếu thay đổi chỗ ngủ, bố mẹ hãy đem theo đồ chơi hoặc một số vật dụng quen thuộc với trẻ. Điều này sẽ giúp cơ thể con duy trì chu kỳ ngủ dễ dàng hơn.
Nguồn : bau.vn