Ngày 4/7, khoa Sơ sinh (Bệnh viện Xanh Pôn) tiếp nhận 1 bé sơ sinh được nhóm thiện nguyện đưa từ cơ sở nạo phát thai ở Hà Nội vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Thời điểm đưa vào viện, em bé mới chào đời được khoảng 30 phút, với cân nặng 1.6kg và được đặt tên là Nguyễn Bình An.
Theo bác sĩ Thái Bằng Giang, Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Xanh Pôn, thời điểm nhập viện, trẻ chỉ nặng 1.6kg, đã ngừng tim, ngừng thở hoàn toàn, toàn thân tím tái, hạ thân nhiệt nặng, chỉ còn 34.8 độ C.
Các bác sĩ ngay lập tức đặt nội khí quản, cho bệnh nhi thở máy, đồng thời bơm thuốc hỗ trợ hô hấp vào phổi. Sau đó, em bé được theo dõi huyết áp, nuôi dưỡng tĩnh mạch, cho sử dụng kháng sinh và truyền các loại thuốc khác.
Thời điểm đưa vào viện, em bé mới chào đời được khoảng 30 phút, với cân nặng 1.6kg và được đặt tên là Nguyễn Bình An.
Khoảng 4 tiếng sau, bé diễn biến xấu hơn, huyết áp tụt, mạch khó bắt. Các bác sĩ tiếp tục cho bé chuyển sang máy thở cao tần HFO (loại máy thở hiện đại nhất cho sơ sinh). May mắn, bệnh nhi đáp ứng tốt, dần qua cơn nguy kịch. Sau 5 ngày thở HFO, bé chuyển thở máy thường 14 ngày trước khi được thở hỗ trợ áp lực và thở oxy. Ngày 13/8, bé được cho dừng thở oxy.
Ngoài vấn đề về hô hấp, trẻ còn bị nhiễm trùng rất nặng. Song song với việc duy trì thở máy, các bác sĩ phải cho bé sử dụng kháng sinh liên tục trong vòng 5 tuần để cải thiện tình trạng này.
Bác sĩ Giang chia sẻ, một em bé sinh ra đủ tháng được tính trong khoảng thời gian từ 38 đến 42 tuần thai. Bình An sinh ra ở tuần thứ 31, chỉ nặng 1.6kg, là trường hợp đẻ non, thiếu khoảng 8 tuần.
Bác sĩ Thái Bằng Giang, Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Xanh Pôn
Thông thường, trẻ sinh non được ra đời trong cơ sở y tế như Bệnh viện Phụ sản, Khoa Phụ sản hay các trạm y tế xã sẽ được hỗ trợ sau sinh bằng việc ủ ấm, hút dịch mũi họng, làm thông thoáng đường thở,…
Tuy nhiên, em bé này lại là trường hợp nạo phá thai. Người phá sẽ làm mọi cách để đưa trẻ ra ngoài, không thực hiện nhẹ nhàng, khéo léo như các ca đỡ đẻ bình thường. Khi chào đời, bé cũng không được áp dụng các biện pháp hỗ trợ nên mới diễn tiến rất nặng, ngừng tim, ngừng thở chỉ sau 30 phút.
Bác sĩ Giang nhấn mạnh, các trường hợp tương tự khó có khả năng cứu sống, chưa kể quãng thời gian thở máy kéo dài cũng rất nguy hiểm cho tính mạng của cháu bé. Tuy nhiên, Bình An đã rất may mắn để vượt qua.
Nguồn : Sức khỏe cộng đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/hanh-trinh-song-lai-ky-dieu-cua-thai-nhi-31-tuan-bi-nao-pha-thai-vut-thung-rac-a181648.html