Lưỡi nổi hột trắng: Liệu mẹ đã biết để giải quyết cho bé?

Lưỡi nổi hột trắng hoặc lưỡi của bé phát đỏ, thảm lông trở nên ít đi khác thường hay nhiều triệu chứng khác nữa…

Lưỡi là bộ phận nằm ẩn bên trong nên dễ khiến người lớn chủ quan, khó phát hiện vấn đề bệnh tật ở trẻ. Trẻ có lưỡi nổi hột trắng hoặc lưỡi có màu trắng chuyển sang vàng… Dù là biểu hiện nào thì cũng cần bạn hiểu biết đúng và đủ về cách nhìn lưỡi. Từ đó, bạn sẽ chủ động hơn trong quá trình chăm sóc và nuôi con.

Thế nào là nhìn lưỡi bắt bệnh cho bé?

Các thay đổi khác thường ở thần, sắc, hình dạng, trạng thái… đều là những chi tiết được kết hợp lại để phán đoán bệnh trạng chuẩn xác hơn. Màu lưỡi tiết lộ nhiều điều khi quan sát tình trạng lưỡi của trẻ. Lúc này, bạn cần tiến hành theo tuần tự nhất định, từ đầu chóp lưỡi, thân lưỡi, gốc lưỡi, hai bên lưỡi đều phải tỉ mỉ xem xét.

Vậy lưỡi của bé khỏe mạnh sẽ gồm những điều kiện nào? Thảm lông trên bề mặt lưỡi do nhiều thành phần hợp lại, bao gồm lớp thượng bì sừng hóa, nước bọt, vi khuẩn, tàn dư thức ăn và cả tế bào bạch cầu bị “rò rỉ”. Những vật chất này cộng lại hình thành nên một lớp lông mỏng màu trắng như một tấm màng bảo vệ lưỡi.

Nhìn lưỡi bắt bệnh cho bé theo từng biểu hiện cụ thể

Lưỡi nổi hột trắng hoặc lưỡi phát đỏ, thảm lông trở nên ít đi khác thường… Mỗi một biểu hiện đều cho thấy cơ thể trẻ đang gặp vấn đề.

Lưỡi nổi hột trắng

Lưỡi nổi hột trắng lớn nhỏ khác nhau, có hình tròn hoặc hình bầu dục, bề mặt vết loét hơi lõm và xung quanh có hiện tượng ửng đỏ bị sung huyết, có thể đau mang tính tự phát hoặc bị thức ăn kích thích gây đau. Đây là biểu hiện của bệnh viêm loét lưỡi ở trẻ em.

Lưỡi của bé có một lớp bẩn dày màu trắng

Khi nhìn lưỡi bắt bệnh, phần khác thường dễ phát hiện chính là một lớp bẩn màu trắng trên bề mặt lưỡi của bé và đây có thể là triệu chứng trẻ bị “tích thực”. Khi thảm lông trên lưỡi thay đổi trở nên nhiều và dày hơn bình thường sẽ tạo thành lớp bẩn này.

Ngoài ra, bạn còn có thể thấy hai bên lưỡi và đầu lưỡi của trẻ sẽ ửng đỏ hơn, đường viền ven lưỡi còn có in nhiều dấu cắn của răng. Nếu quan sát thấy những biểu hiện này, hãy cân nhắc đến vấn đề tiêu hóa ở trẻ, dạ dày và đường ruột không thể hoạt động tốt nên lượng thức ăn thừa tồn đọng càng nhiều.

Lưỡi của bé phát đỏ, thảm lông trở nên ít đi khác thường

Khi thân nhiệt của trẻ tăng cao, lưỡi sẽ có hiện tượng đỏ sậm hơn lúc khỏe mạnh. Đồng thời lớp thảm lông trên bề mặt lưỡi bỗng nhiên giảm hẳn. Ngoài ra, khi trẻ bị sốt thì thảm lông này cũng khô hơn, trẻ hay có động tác thè lưỡi ra ngoài do cơ thể đang bị mất nước.

Lưỡi của bé trơn láng và đỏ

Trẻ có biểu hiện cảm mạo lặp đi lặp lại, thường xuyên phát sốt, ăn uống kém hoặc tiêu chảy mãn tính, kèm theo lưỡi bị đỏ đậm. Đồng thời, thảm lông gần như rụng hết khiến bề mặt lưỡi hoàn toàn trơn nhẵn. Lúc này, có thể thấy đây là những triệu chứng cho thấy sức đề kháng của trẻ suy yếu.

Nguồn : bau.vn