Nhiều người nghĩ chu kỳ kinh nguyệt đều đặn là dấu hiệu cho thấy trứng đang rụng bình thường. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Bạn vẫn có khả năng không rụng trứng dù cho kinh nguyệt cứ “tới hẹn lại lên”. Bạn hãy cùng tìm hiểu hiện tượng trứng không rụng là gì cùng những nguyên nhân gây ra tình trạng này để biết cách làm trứng rụng đều đặn, tăng khả năng thụ thai nhé.
Hiện tượng không rụng trứng
Trứng không rụng liên quan đến sự suy giảm hormone trong cơ thể phụ nữ. Mức độ hormone phải được tăng, giảm vào những thời điểm nhất định để đạt được sự rụng trứng. Khi buồng trứng phóng noãn, trứng sẽ rụng và đợi tinh trùng gặp trứng để chuẩn bị cho quá trình mang thai.
Ngược lại, một vòng kinh không có sự rụng trứng còn được gọi là một vòng kinh không phóng noãn (anovulatory cycle). Ở chu kỳ kinh này, buồng trứng không có nang noãn chín nên gây ra hiện tượng không rụng trứng (anovulation). Vậy trứng không rụng có thụ thai được không? Điều này có thể làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ ở giai đoạn sinh đẻ và gây vô sinh bởi trứng không rụng thì phụ nữ không thể mang thai.
Hiện tượng không rụng trứng có thể xảy ra rồi trở lại bình thường ở một số phụ nữ nhưng cũng có thể là tình trạng mãn tính với một số người khác. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thường gặp hiện tượng này khi bị rối loạn nội tiết tố hoặc buồng trứng bị tổn thương. Ngoài ra, tình trạng này còn thường xảy ra ở phụ nữ mãn kinh, các bé gái vị thành niên, phụ nữ sau sẩy thai, sinh con hoặc mắc các bệnh lý bất thường.
Tại sao trứng không rụng?
Nguyên nhân phổ biến nhất gây rối loạn chức năng phóng noãn là hội chứng buồng trứng đa nang. Ngoài ra, hiện tượng trứng không rụng còn là do một số nguyên nhân tiềm ẩn khác dưới đây:
- Béo phì
- Tiền mãn kinh
- Suy dinh dưỡng
- Tăng prolactin máu
- Dùng thuốc tránh thai
- Suy buồng trứng sớm
- Luôn ở trong sự căng thẳng
- Dự trữ buồng trứng AMH thấp
- Thói quen ăn uống không lành mạnh
- Rối loạn chức năng tuyến giáp (cường giáp)
- Thói quen tập thể dục quá sức và khắc nghiệt
Cách nhận biết trứng không rụng
Những người gặp hiện tượng không rụng trứng thường có chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc thậm chí không thấy kinh nguyệt. Dấu hiệu không rụng trứng thường có những biểu hiện sau đây:
• Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 36 ngày: Điều này cho thấy bạn có thể đang gặp tình trạng rối loạn chức năng phóng noãn.
• Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt: Nếu chu kỳ của bạn nằm trong phạm vi bình thường (từ 21 – 36 ngày) nhưng độ dài của chu kỳ kinh lại thay đổi giữa các tháng thì đây cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn chức năng phóng noãn. Ví dụ, nếu chu kỳ kinh một tháng của bạn là 22 ngày nhưng tới chu kỳ tiếp theo lại là 35 ngày thì điều này cũng liên quan đến vấn đề rụng trứng.
• Dựa vào nhiệt độ của cơ thể: Nhiệt độ cơ thể của bạn sẽ cao hơn vào ngày rụng trứng do tác dụng của các hormone hoàng thể gây ra. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ cơ thể không thay đổi thì trứng có thể không rụng trong tháng đó.
• Dựa vào hiện tượng thống kinh: Nếu bạn thường xuyên bị thống kinh (đau bụng kinh) nhưng chu kỳ kinh tiếp theo lại không nhận thấy đau đớn hay chỉ đau nhẹ thì vòng kinh này có thể trứng không rụng.
Những phụ nữ có kinh nguyệt không đều hoặc không thấy dấu hiệu rụng trứng thì có thể thử dùng bộ kit dự đoán rụng trứng. Bộ dụng cụ này sẽ giúp bạn đo nồng độ hormone trong nước tiểu để xác định thời điểm rụng trứng.
Cách chẩn đoán từ bác sĩ
Khi đi khám bệnh vì không nhận thấy trứng rụng hoặc chu kỳ kinh không đều, bác sĩ sẽ thực hiện một số phương pháp dưới đây để xác định bạn có bị rối loạn chức năng phóng noãn không hay đang mắc một bệnh lý tiềm ẩn khác:
• Xét nghiệm máu: Điều này giúp bác sĩ kiểm tra nồng độ hormone trong cơ thể của bạn.
• Siêu âm đầu dò âm đạo: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn siêu âm đầu dò âm đạo để xem xét kỹ hơn hình dạng và kích thước của tử cung cũng như buồng trứng. Điều này cũng giúp bác sĩ chẩn đoán bạn có bị đa nang buồng trứng hay không.
• Sinh thiết niêm mạc tử cung: Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ phát hiện được những bệnh ở niêm mạc tử cung đồng thời kiểm tra nồng độ hormone sinh dục ảnh hưởng đến sự tái tạo của lớp niêm mạc trong mỗi chu kỳ kinh.
Cách điều trị hiện tượng trứng không rụng
Phương pháp điều trị hiện tượng trứng không rụng phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây ra tình trạng. Một số trường hợp có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống hoặc chế độ ăn uống. Ví dụ, nếu bạn có trọng lượng cơ thể thấp hoặc là do bạn có thói quen tập luyện khắc nghiệt thì tăng cân hoặc thay đổi thói quen tập thể dục sẽ giúp sự rụng trứng trở lại bình thường.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị bằng thuốc cho các trường hợp trứng không rụng vẫn là phổ biến hơn cả. Các loại thuốc có thể bao gồm:
• Clomid: Đây là loại thuốc hỗ trợ sinh sản đầu tiên thường được sử dụng. Clomid có thể kích hoạt quá trình rụng trứng ở 80% phụ nữ không rụng trứng. Thuốc này cũng đã được chứng minh là giúp khoảng 45% phụ nữ có thai trong vòng 6 tháng điều trị.
• Thuốc nhạy cảm với insulin: Nếu bạn bị hội chứng buồng trứng đa nang, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thuốc nhạy cảm với insulin như metformin để kích thích sự rụng trứng trở lại. Tuy nhiên, bạn cần điều trị ít nhất là sáu tháng trước khi biết liệu metformin có hoạt động hay không.
Metformin là thuốc kê đơn tốt nhất để điều chỉnh insulin, nhưng bạn cũng có thể dùng thử myo-inositol – một chất bổ sung không kê đơn cũng giúp điều chỉnh insuslin.
• Dùng thuốc hỗ trợ sinh sản kết hợp metformin: Nếu metformin hoặc myo-inositol không giúp ích, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thuốc hỗ trợ sinh sản kết hợp với metformin. Sự kết hợp này đã được chứng minh là giúp phụ nữ tăng cơ hội rụng trứng.
• Thuốc letrozole (Femara): Đây là loại thuốc có thể giúp kích hoạt rụng trứng thành công hơn ở những người bị buồng trứng đa nang.
Thuốc hỗ trợ sinh sản ít có tác dụng hơn khi nguyên nhân gây rụng trứng là suy buồng trứng sớm hoặc dự trữ buồng trứng thấp. Nếu thuốc hỗ trợ sinh sản không có hiệu quả, bạn cũng có thể được chỉ định điều trị bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Một biện pháp hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn bằng cách cho trứng và tinh trùng kết hợp ở ngoài cơ thể để tạo thành phôi và sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người vợ.
Duy trì lối sống lành mạnh
Bên cạnh điều trị hiện tượng trứng không rụng theo chỉ định của bác sĩ, bạn cũng cần kết hợp lối sống lành mạnh để giúp điều hòa nội tiết tố trong cơ thể và hỗ trợ quá trình rụng trứng diễn ra suôn sẻ hơn.
Bạn có thể thực hiện những cách dưới đây:
• Để ý chế độ ăn uống: Bạn nên ăn những thực phẩm hỗ trợ trứng rụng như khoai lang, ngũ cốc, hạt lanh, hạt vừng, hải sản, táo, cam, chuối và rau củ như cà chua, cải bó xôi, bông cải xanh, hành tây, tỏi, húng quế, rau diếp, nấm…
• Tập thể dục: Bạn có thể thực hiện những bài tập thể dục tốt cho sức khỏe sinh sản như đi bộ, chạy bộ, tập thể dục nhịp điệu, yoga… Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập luyện vừa sức mình với 15-30 phút tập mỗi ngày.
• Giảm căng thẳng: Bên cạnh những áp lực công việc, bạn có thể dành thời gian trong ngày để đọc sách, nghe nhạc, viết nhật ký, đi chơi với bạn bè, chia sẻ tâm sự… Ngoài ra, bạn cũng nên nghỉ ngơi hợp lý, massage thư giãn khi mệt mỏi, xông hơi ướt, ngâm chân…
Hiện tượng trứng không rụng sẽ làm mất khả năng thụ thai của phụ nữ. Vì thế, bạn hãy luôn theo dõi những dấu hiệu rụng trứng để xem vòng kinh có phóng noãn hay không nhằm đến bác sĩ điều trị kịp thời. Bạn cũng cần thay đổi lối sống để điều hòa nội tiết tố trong cơ thể của mình nhằm giúp tăng cường khả năng sinh sản và cải thiện sức khỏe tổng thể nhé.
Nguồn : bau.vn