Sau mỗi dịp Tết, các bà các mẹ lại đối mặt với việc bảo quản thực phẩm thừa như bánh chưng, bánh tét, thịt gà, rau củ…. mà nếu không biết cách, rất dễ khiến đồ ăn bị hỏng, phải vứt bỏ vô cùng lãng phí hoặc nếu cố ăn lại gây ảnh hưởng sức khoẻ.
Những lưu ý dưới đây sẽ giúp các bà nội trợ bảo quản thực phẩm thừa sau Tết hiệu quả, tiết kiệm và đảm bảo dinh dưỡng.
Bảo quản thức ăn trong hộp kín khí
Đây là cách tối ưu nhất để kéo dài “hạn sử dụng” của thực phẩm sau Tết. Hộp bảo quản thực phẩm kín khí giúp hạn chế quá trình oxi hóa của thực phẩm, giúp thực phẩm tươi ngon lâu hơn. Với những hộp bảo quản thực phẩm của Tupperware, nhờ thiết kế hoàn toàn kín khí, bạn có thể bảo quản đa dạng các loại thực phẩm trong thời gian dài gấp nhiều lần những phương pháp thông thường như dùng túi nilon, gói giấy báo hay các loại hộp đựng thực phẩm thông thường khác.
Tận dụng thức ăn thừa chế biến thành món mới
Hầu như sau Tết, các gia đình đều thừa rất nhiều bánh chưng, thịt gà, dưa kiệu muối chua, giò chả…. và thậm chí cả các loại ngũ quả ban thờ như chuối, đu đủ… Khi này, chị em có thể tận dụng bánh chưng, bánh tét để chiên lên, thịt gà làm món bún thang, miến gà, súp ăn sáng, dưa kiệu chỉ cần thêm chút tôm thịt, pha nước mắm chua ngọt là thành món gỏi hấp dẫn. Những loại trái cây nếu không kịp ăn thì đu đủ cũng có thể hầm canh sườn hay chuối để nấu chè, làm kem, làm thạch… đều rất ngon mà tận dụng được nguyên liệu cũ.
Rau củ, thực phẩm tươi sống ngắt bỏ lá úa
Rau, hoa quả còn thừa sau Tết thường rất khó bảo quản. Thông thường, để kéo dài thời gian sử dụng rau củ mua nhưng chưa dùng hết, nên kiểm tra lại rau củ, ngắt bỏ những phần lá úa, dập, rau bị sâu và những phần rễ bởi chúng có thể “lây” cho phần rau còn lại. Ngoài ra, để rau củ khô ráo nước rồi mới đóng kín bảo quản trong tủ lạnh.
Sắp xếp thực phẩm cũ trước, thực phẩm mới sau
Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh chỉ có thể làm chậm hoặc trì hoãn sự phát triển, tăng sự sinh sôi của vi khuẩn. Do đó, chị em cần ưu tiên sắp xếp để những thực phẩm cũ ra phía ngoài, thực phẩm mới để bên trong và có thể ghi chú ngày tháng trên hộp. Đặc biệt, không nên ăn nếu thấy thực phẩm có dấu hiệu mốc, mùi lạ.
Bánh chưng, bánh tét để nơi thoáng mát
Thời tiết nóng dễ khiến bánh chưng, bánh tét bị hỏng. Thông thường, chỉ nên để bánh chưng, bánh tét 10 ngày ở nhiệt độ phòng, sau đó nên cho vào ngăn mát tủ lạnh. Dù việc cho vào tủ lạnh có thể khiến phần gạo nếp bị cứng nhưng khi lấy ra, bạn có thể làm nóng bằng lò vi sóng hoặc hấp lại là bánh sẽ mềm như mới.
Chia thức ăn thành từng phần
Thức ăn trước khi ăn đa phần đều phải hâm nóng để phục hồi hương vị và kết cấu của thực phẩm. Tuy nhiên, thức ăn đun đi đun lại quá nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến lượng dinh dưỡng trong đó. Do vậy, cần lưu ý chia thức ăn đã chế biến thành từng phần vừa đủ cho một bữa ăn, tránh đun đi đun lại có thể thành môi trường tăng sinh vi khuẩn.
Với thực phẩm thịt, cá đông lạnh cũng vậy, việc chia thức ăn thành từng phần nhỏ sẽ tránh được việc tái đông lạnh khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, theo đó, thực phẩm cũng không còn giữ được vị tươi ngon như ban đầu. Ngoài ra, khi rã đông cũng sẽ nhanh chóng hơn và tiết kiệm được nhiều thời gian hơn.
Nguồn : Sức khỏe cộng đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/bat-mi-nhung-tuyet-chieu-bao-quan-thuc-pham-thua-sau-tet-a194681.html