Tẩy giun cho trẻ là việc làm cần thiết mà mẹ nên áp dụng cho bé, nhất là các bé có biểu hiện còi cọc, chậm lớn. Tuy vậy, không phải trẻ ở độ tuổi nào cũng có thể tẩy giun được. Vậy, trẻ mấy tuổi thì bố mẹ có thể tẩy giun cho bé được?
Tẩy giun cho trẻ dưới 2 tuổi có nên hay không?
1. Tác hại và triệu chứng của việc nhiễm giun sán ở trẻ em
Trước tiên, chúng ta cần phải biết về nguy cơ nhiễm giun sán của trẻ. Lứa tuổi từ 1 đến 7 tuổi là thời điểm mà cơ thể trẻ dễ mắc giun sán, ký sinh trùng nhất. Việc tẩy giun là vô cùng cần thiết để tiêu diệt giun, ký sinh trùng có trong đường ruột của bé. Một số loại giun nguy hiểm thường gặp đó là giun đũa, giun kim, sán dây…
Tác hại của giun sán gây ra cho trẻ đó là:
- Trẻ lười ăn, giảm cân, mất ngủ
- Nặng có thể là ngứa ngáy vùng hậu môn, mệt mỏi, hay cáu khóc
- Để tình trạng nhiễm giun kéo dài, trẻ sẽ đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn như rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, tắc ruột, viêm ruột…
Khi trẻ có những biểu hiện như chán ăn, biếng ăn, gầy rạc, người xanh xao… khả năng cao là giun sán đang gây tác hại từ bên trong. Do đó, bố mẹ sẽ có những biện pháp để tẩy giun cho bé.
2. Tẩy giun nên hay không?
Có nên tẩy giun cho trẻ dưới 2 tuổi? Câu trả lời là nên tẩy giun cho trẻ, tuy vậy bạn cần tham khảo thêm nhiều yếu tố. Thuốc tẩy giun là biện pháp đơn giản và thường được dùng nhất hiện nay. Tuy vậy, loại thuốc này khá đặc biệt, có thể kèm theo một số tác dụng phụ. Kể cả người lớn cũng không thể tùy tiện dùng thuốc tẩy giun, thế nên trẻ em lại càng phải đặc biệt cẩn thận. Do đó, bố mẹ cần hết sức lưu ý và cẩn trọng trước khi tẩy giun cho trẻ dưới 2 tuổi.
Trước khi tẩy giun cho trẻ, bố mẹ cần tham khảo bác sĩ thật cẩn thận. Để cẩn thận, mẹ hãy đưa bé tới bệnh viện để được thăm khám kỹ lưỡng hơn. Trẻ dưới 2 tuổi đã có thể dùng thuốc tẩy giun, nhưng trẻ dưới một tuổi thì bạn tuyệt đối không nên cho sử dụng loại thuốc này nhé!
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cách tẩy giun cho bé đó là:
Sử dụng thuốc tẩy giun gồm albendazole (400 mg) hoặc mebendazole (500 mg) với thời gian là 6 tháng/1 lần. Liều lượng này được khuyến cáo dùng cho tất cả trẻ từ 12 – 23 tháng tuổi, trẻ mẫu giáo 1-4 tuổi và trẻ em ở độ tuổi đang đi học từ 5 đến 12 tuổi và sống ở những khu vực có tỷ lệ nhiễm giun cao.
Tìm hiểu về các loại thuốc tẩy giun cho trẻ dưới 2 tuổi
Đối với trẻ trên hai tuổi, dù không có triệu chứng gì thì bố mẹ cũng nên tẩy giun định kỳ. Thời gian tẩy giun thường khoảng 6 tháng một lần. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, khi có triệu chứng hoặc phát hiện chắc chắn có giun sán mới thực hiện cho dùng thuốc tẩy giun.
Tốt nhất nếu nghi ngờ con nhiễm giun sán, bố mẹ nên đưa bé tới bác sĩ để khám tầm soát. Một số loại thuốc có thể dùng tẩy giun cho trẻ đó là:
♦ Mebendazole: Dùng loại dạng 500mg. Thuốc có dạng viên nén vị ngọt trái cây hoặc dung dịch uống có hương. Bố mẹ cho trẻ uống một lần duy nhất 500mg/ngày và nên uống vào buổi sáng. Đối với dạng thuốc hàm lượng 100 mg mỗi viên, cần cho bé uống 2 viên mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối, uống trong 3 ngày liên tiếp.
♦ Albendazole: Bạn cho trẻ dùng loại viên nén 400mg. Trẻ chỉ cần uống một lần duy nhất 400mg/ngày và cũng uống vào buổi sáng.
♦ Pyrantel: Thuốc được trình bày dưới dạng viên nén 125mg và 250mg, liều dùng phù hợp là 10mg cho mỗi kilogam cân nặng. Trẻ chỉ cần uống 1 liều duy nhất.
Tẩy giun cho trẻ dưới 2 tuổi nên lưu ý những điều gì?
Khi tẩy giun cho trẻ dưới 2 tuổi, bố mẹ lưu ý một số điều sau để đảm bảo an toàn cho con:
- Thuốc tẩy giun có thể gây nhiều tác dụng không mong muốn cho trẻ. Cụ thể, một vài trẻ sau khi tẩy giun xong sẽ đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy. Một vài trường hợp biến chứng trẻ có thể bị phát ban, ngứa hay nổi mề đay. Bố mẹ cần theo dõi sát bé dưới 2 tuổi sau khi tẩy giun, chỉ cần có bất cứ triệu chứng nào như trên thì đưa bé tới cơ sở y tế ngay.
- Thuốc tẩy giun cho trẻ có thể uống trong hoặc sau bữa ăn. Bạn không cần bắt trẻ nhịn đói hay ăn kiêng khi dùng thuốc tẩy giun. Dùng thuốc tẩy giun nên dùng vào buổi sáng sẽ cho hiệu quả tốt nhất.
- Sau khi dùng thuốc tẩy giun, bố mẹ cần có các biện pháp phòng tránh trẻ tái mắc giun sán. Cách làm khá đơn giản đó là dạy bé rửa tay thường xuyên, ăn chín uống sôi và đi vệ sinh đúng cách.
Bạn biết gì về giun sán cũng như cách xâm nhập của chúng?
Giun sán là những loại ký sinh trùng, sống chủ yếu trong đường ruột của người. Giun sán có nhiều loại và bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn dưới đây:
♦ Giun đũa: Giun đũa là một loài chuyên ký sinh ở ruột non người. Giun cái sẽ đẻ trứng lẫn trong phân người, phân ra ngoài sẽ mang trứng ra môi trường. Trứng giun sau đó xâm nhập cơ thể người qua đường thức ăn hoặc nước uống. Sau khi xâm nhập thành công, trứng giun sẽ phát triển thành công trưởng thành. Giun đũa thường gây ra các biến chứng như tắc ruột, tắc ống mật hoặc áp xe gan.
♦ Giun kim: Giun kim là loại giun thường ký sinh ở ruột non, sau đó phát triển xuống ruột già. Giun cái sẽ đẻ trứng ở rìa hậu môn, bởi thế bé bị mắc giun kim sẽ thường bị ngứa ngáy hậu môn. Giun kim lây truyền bằng cách trứng giun bám vào tay, rồi lại vào miệng hoặc bám vào quần áo, đồ vật để ra môi trường bên người. Tác hại của giun kim đối với cơ thể đó là làm bé mệt mỏi, biếng ăn, suy dinh dưỡng.
♦ Giun móc: Giun này thường ký sinh ở tá tràng, giun sẽ hút máu trực tiếp ở thành ruột. Đường lây nhiễm của giun móc là từ trứng giun ra ngoài môi trường, phát triển thành ấu trùng, sau đó bám vào tay không rửa hoặc đồ ăn bẩn để vào cơ thể. Loài giun này khiến bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, thiếu máu trầm trọng.
♦ Giun tóc: Giun tóc thường ký sinh ở ruột già. Người có thể mắc giun tóc vì ăn phải trứng giun trong đồ ăn. Giun tóc gây đau bụng, buồn nôn, chán ăn… nặng hơn có thể gây sa trực tràng.
Nguồn : Sức Khỏe 24h
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/cha-me-thac-mac-co-nen-tay-giun-cho-tre-duoi-2-tuoi-a196155.html