Cô gái nghị lực mang tên Thanh Phượng sinh ra và lớn lên ở một đảo nhỏ thành phố Hải Phòng, bố mẹ làm Ngư dân, quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển. Cuộc sống tưởng như êm đềm trôi qua, nhưng vào một ngày năm 2008 “sóng gió” gõ cửa ngôi nhà bình yên của Phượng.
Từ cô gái có đủ bố mẹ trở thành mồ côi ngay sau một đêm
Cô bé Phượng 8 tuổi lúc ấy chỉ biết gào thét đòi bố mẹ khi nghe các chị hàng xóm thất thanh gọi: “Bố mẹ em bị tàu đâm, sóng to lật thuyền chết rồi”. Khoảnh khắc khiến đứa trẻ có đầy đủ cha mẹ bỗng trở thành côi nhi. Đó là cảm xúc giống như nhát dao lặng lẽ xuyên qua tim, không thấu được cả sự đau đớn.
Có lẽ, nỗi ám ảnh nhất với Phượng là cảnh trong ngôi nhà nhỏ vốn tràn ngập tiếng cười ấy, bây giờ có đến 2 chiếc quan tài của bố và mẹ. Phượng nhớ như in trước khi nhập quan, người thân được nhìn mặt bố mẹ lần cuối. Trớ trêu thay, Phượng bị các bạn gieo rắc vào đầu: “Bố mày bị chân vịt (dụng cụ của thuyền) chém biến dạng, kinh lắm”. Chính vì câu nó đó, mà suýt chút nữa Phượng không dám nhìn mặt người bố lần cuối.
Thế nhưng, hình ảnh khiến Phượng nhớ mãi là người anh trai 16 tuổi ngồi ở góc nhà 2 ngày không ăn uống, khóc cũng không thành tiếng.
Người ta chỉ thấy mình đau khi nhận thức được điều ấy, sự dằn vặt bản thân lớn lên cùng Phượng. Có ngày Phượng nói với anh trai: “ Em nhớ bố mẹ lắm”, nhưng Phượng đâu biết rằng anh trai còn nhớ bố mẹ gấp bội.
Bố mẹ mất, anh em Phượng sống cùng nhà ngoại, đặc biệt bà ngoại như người mẹ thứ 2. Thế nhưng, nỗi đau một lần nữa cứa sâu vào trái tim đang rỉ máu của Phượng khi bà tuổi cao, bệnh già bỏ 2 anh em để ra đi.
Dù đã sẵn sàng chuẩn bị tâm lý, nhưng vẫn thật khó để chấp nhận sự thật này. Nỗi ám ảnh lặp lại một lần nữa, anh trai Phượng ngồi gục một góc nhà khóc không thành tiếng, muốn hét lên cũng chẳng còn đủ sức. Nén nỗi đau mất người thân, Phượng- cô gái nghị lực tiếp tục với cuộc sống hiện tại.
Đến cô gái phải cắt bỏ một bên tay phải…
Tưởng chừng bất hạnh đã “ngủ yên” ngoài kia, nhưng không. Vào mùng 2 tết năm 2016, thay vì quây quần cùng người thân đón Tết thì gia đình Phượng lại đón Tết ở bệnh viện.
Phượng không may bị tai nạn giao thông, gãy chân trái, tay phải dập nát. Mỗi lần nữa, người thân xung quanh chạy ngược xuôi để lo cho Phượng. Nhưng trớ trêu thay, ông trời muốn lấy đi cánh tay phải của Phượng vì dập nát quá nhiều, không thể cứu vãn được nữa.
Ngày vào phòng cắt bỏ tay phải, Phượng vẫn luôn hy vọng và liên tục hỏi bác sĩ: “Cô ơi cứu cháu, cứu cánh tay của cháu”. Nhưng tận sâu trong lòng, đó chỉ là những lời kêu cứu vô vọng.
Tỉnh dậy là lúc Phượng thấy mình trong tình trạng tay phải cắt bỏ, chân trái cố định chờ mổ, còn tay trái truyền chằng chịt.
Đến ngày mổ chân cứ tưởng như đã xong nhưng không bác sĩ đóng đinh bị lệch, không thể gấp đầu gối, Phượng phải tiếp tục mổ chân lần 2. Cả người đau nhức, ngoài khóc ra, Phượng chẳng biết làm gì.
Lúc ấy, ý nghĩ tự tử cũng lóe lên trong đầu Phượng nhưng rồi cũng vụt qua khi thấy những hoàn cảnh xung quanh. Các bệnh nhân bên cạnh người xương lồi ra ngoài, người não phập phồng, người bị hoại tử mùi hôi bốc lên, Phượng tự nhủ so với ở quê mình rất nặng nhưng so với mọi người ở đây mình chẳng là gì cả.
Phượng bình tâm lại, nỗi ám ảnh hiện lên nếu mình chết thì anh trai làm sao mà sống, người chết thì cũng chết còn những người ở lại họ làm sao có thể chịu được thêm cú shock này nữa.
Thế rồi, 18 ngày ngột ngạt trong viện đã qua. Phượng trở về nhà nhưng những lời gièm pha cay nghiệt: “Ơ chị kia bị cụt tay kìa”, “Con bé kia bị thế này sau còn làm ăn được gì”… và vô số lời khiến Phượng tổn thương.
Đóa hoa quỳnh nở trong đêm
Sau khi trở về cuộc sống, Phượng bắt đầu học cầm đũa, cầm bút, học cách làm mọi việc bằng tay trái nhưng đó là cả một quá trình gian nan và thử thách đối với Phượng.
Qúa trình học tiếp cấp 3 của Phượng vô cùng gian nan khi phải chuyển từ trường cấp 3 ở Sơn Tây- Trường nội trú Hữu Nghị 80 ( Việt – Lào – Campuchia ) dành cho các con em dân tộc – miền núi – hải đảo về quê học tập tiếp. Ngày ngày bạn lai đi học lai về chẳng quản ngại nắng mưa, có những ngày học khác ca nhau lại bạn khác lai đi, cứ thế rồi cuối cùng Phượng cũng học xong cấp 3.
Bằng nỗ lực phi thường, Phượng đã hoàn thành xong chương trình học và đã trở thành cô Dược sĩ bán thuốc tại Hà Nội.
Trong mắt mọi người, Phượng là người khuyết tật, dị biệt. Nhưng Phượng cho rằng mình đặc biệt. Một tay nhung vẫn có thể làm được nhiều việc như người bình thường, có thể tự kiếm ra tiền, làm việc có ích và việc bản thân yêu thích.
Thấu hiểu hoàn cảnh của mình, Phượng luôn muốn mang đến nguồn năng lượng tích cực đến những người xung quanh. Hàng tháng, dù bận rộn với công việc bán thuốc và buôn bán online, Phượng vẫn cố gắng cùng các bạn đến thăm các em nhỏ tại bệnh viện K.
Có lẽ với Phượng, khi đã trải qua nhiều mất mát, cô không muốn bất cứ đứa trẻ nào rơi vào hoàn cảnh của mình. Dù bệnh tật, nhưng các em vẫn luôn có sự động viên tinh thần từ mọi người, đó là sức mạnh lớn để vượt qua tất cả. Giống như những “tâm hồn đang khuyết” nương dựa vào nhau để làm nên điều phi thường.
Đã có lúc mệt mỏi, chán nản, nghĩ đến cái chết, nhưng Phượng vẫn mạnh mẽ đứng lên vì biết rằng phía cuối con đường đang có rất nhiều người đặt kỳ vọng vào mình.
Sau tất cả những nốt thăng trầm của cuộc sống, Phượng trở thành cô gái nghị lực, thấy mình trưởng thành nhiều hơn. Tận cùng của nước mắt là hạnh phúc, hạnh phúc bởi đã trải qua tận cùng của đau khổ thì phần đời còn lại chẳng có gì đánh gục mình.
Phượng cho rằng: Cuộc sống có hàng ngàn câu chuyện khiến bạn khóc, hàng vạn câu chuyện khiến bạn tổn thương. Nhưng chỉ cần bạn biết biến tiêu cực thành động lực thì tất cả mọi chuyện rồi cũng qua. Hãy cứ luôn tin tưởng vào bản thân rồi bạn sẽ làm được. Cô gái nghị lực này luôn bằng lòng với những gì mình đang có, dù kém may mắn hơn nhiều người, nhưng còn may mắn hơn hàng vạn người khác.
Nguồn : Sức khỏe 24h
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/co-gai-9x-nghi-luc-vuot-qua-noi-dau-mo-coi-tro-thanh-duoc-si-xinh-dep-a197801.html