22 tuổi- tôi trầm cảm sau sinh! Tôi lấy chồng năm 20 tuổi, giữa cái tuổi ăn, tuổi chơi tôi đã phải lo toan cho gia đình chồng. Mỗi ngày cuộc sống xoay quanh nỗi lo “cơm- áo- gạo- tiền” khiến tôi cảm thấy mệt mỏi. Thế nhưng, những mệt mỏi ấy được bù đắp bằng “thiên thần nhỏ” của tôi chào đời.
Lúc còn trẻ, tôi luôn nghĩ rằng, chuyện sinh đẻ không có gì đáng lo ngại khi tôi chuyện sinh đẻ của tôi thuận lợi. Niềm hạnh phúc chưa đến được bao lâu thì tôi nhận thấy sự bất ổn từ bản thân mình.
Khi một đứa trẻ được ra đời, quá nhiều thứ đến với tôi từ khó khăn tài chính, đến chuyện tình cảm vợ chồng… mọi thứ đổ dồn vào một lúc khiến tôi bị trầm cảm sau sinh.
Đó là khoảng thời gian ám ảnh nhất đối với tuổi trẻ của tôi. Mỗi sáng mở mắt ra, tôi sợ nghe thấy tiếng con khóc, sợ nhìn thấy mặt con, sợ nghe mọi âm thanh cuộc sống. Người ta thường nói “hổ dữ không ăn thịt con”, nhưng lúc đó tôi chỉ muốn tránh xa đứa con bé bỏng đã từng ngóng trông 9 tháng 10 ngày.
Từ sau khi sinh, suy nghĩ của tôi thay đổi hoàn toàn. Từ một cô gái năng động, luôn suy nghĩ tích cực trở nên cực đoan, lầm lì. Chỉ cần một câu nói của người khác cũng khiến tôi suy nghĩ và trở thành nỗi ám ảnh trong đầu. Tôi nhốt mình trong 4 góc tường, tách biệt với thế giới, không ăn không uống.
Chỉ 1 tháng sau sinh, tôi sụt cân không kiểm soát, người nhợt nhạt, không có cảm xúc với bất cứ thứ gì. Nhiều lúc, tôi đã từng suy nghĩ đến việc tự tử để kết thúc chuỗi ngày bi kịch và mệt mỏi này.
Nhưng đến một ngày, tôi đã cố gắng dậy sớm, tắm rửa thật sạch, mặc chiếc váy tôi yêu, trang điểm nhẹ và tô son. Tôi quyết định đi ra ngoài! Rảo bước trên đôi giày cao gót, tiếng âm thanh cuộc sống, tiếng người cười nói, tôi cảm nhận được “sự sống”. Tôi thấy hình ảnh người mẹ đứng đợi con ở cổng trường, thấy hình ảnh gia đình cùng đi chơi, thấy nụ cười của những đứa trẻ thơ… bỗng nhiên trong lòng tôi chợt trống rỗng.
Tôi tự hỏi tại sao bản thân lại trở nên như thế này? Tôi bắt đầu quan tâm đến bản thân nhiều hơn, đọc nhiều sách, tập ngồi thiền mỗi ngày để học cách kiểm soát bản thân.
Mỗi ngày, tôi đều cố gắng đi ra ngoài, nói chuyện nhiều hơn với bạn bè, gia đình, cố gắng sắp xếp thời gian đi du lịch cùng gia đình. Gần gũi với con một chút, dần dần bản năng làm mẹ của tôi trỗi dậy, trở về cuộc sống bình thường.
Trầm cảm sau sinh là một bệnh lý về cảm xúc, bởi vậy chỉ chính bản thân mới là “bác sĩ” chữa bệnh cho mình được. Dù đang khó khăn hay tiêu cực đến đâu, bạn hãy nhớ rằng cuộc đời này còn nhiều điều cần bạn trải nghiệm, đứa trẻ cần có mẹ và tình yêu thương của mẹ.
Vượt qua trầm cảm sau sinh không quá khó khăn nhưng nó cần sự “giải thoát” về tư tưởng và tâm lý. Đừng cố ép bản thân mình phải vui vẻ giả tạo, hãy lắng nghe chính mình và sống với những điều bạn muốn.
Qua câu chuyện của mình, tôi muốn các bạn có thêm sức mạnh để vượt qua “cơn ác mộng” về tư tưởng này để có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc cùng đứa con của mình.
Nguồn : Sức khỏe 24h
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/tram-cam-sau-sinh-bong-ma-vo-hinh-huy-hoai-nguoi-phu-nu-a198555.html